Nhật Bản tổ chức bầu cử sớm: Nước cờ chiến lược của Thủ tướng Abe

.

Lời kêu gọi bầu cử sớm của Thủ tướng Abe được đánh giá là một bước đi chiến lược và đúng thời điểm.

Trong một động thái được cho là nhằm tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 25/9 đã kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử sớm. Giới quan sát nhận định, quyết định của Thủ tướng Abe kêu gọi bầu cử sớm vào thời điểm này có ý nghĩa chiến lược và khôn ngoan khi tận dụng sự bất ổn của phe đối lập cũng như tỉ lệ ủng hộ Thủ tướng đang gia tăng.

Thủ tướng Shinzo Abe đang tiến hành cuộc thăm dò ý kiến (Ảnh: AP)
Thủ tướng Shinzo Abe đang tiến hành cuộc thăm dò ý kiến (Ảnh: AP)

 Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Abe tuyên bố sẽ giải tán Hạ viện vào ngày 28/9 tới, mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử với mong muốn tìm kiếm một nhiệm kì mới để giúp nước Nhật thoát khỏi các cuộc khủng hoảng quốc gia.

Ông Abe nói: “Nhật Bản đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng quốc gia như dân số già hóa và giảm mạnh cũng như tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.  Tôi mong muốn tiếp tục với vai trò là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ để đối phó với các cuộc khủng hoảng này”.

Thủ tướng Abe không đưa ra thời gian cụ thể tiến hành bầu cử. Trước đó, có thông tin cho rằng cuộc tổng tuyển cử có thể diễn ra vào ngày 22/10 tới.

Thực tế, ông Abe còn nắm giữ vị trí Thủ tướng hơn 1 năm nữa trước các cuộc bầu cử theo kế hoạch. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, Thủ tướng Abe nhận thức được rằng tỉ lệ ủng hộ sẽ khó có cơ hội được cải thiện nhiều hơn. Do đó, lời kêu gọi bầu cử sớm của Thủ tướng Abe được đánh giá là một bước đi chiến lược và đúng thời điểm. Tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản là điểm cộng giúp gia tăng tỉ lệ cho Thủ tướng vào thời điểm này.

Theo số liệu mới nhất, GDP của Nhật Bản tăng ở mức 2,5% từ tháng 3 đến tháng 6 vừa qua. Tỉ lệ này cao hơn đáng kể so với giới phân tích dự đoán và điều đó có nghĩa là Nhật Bản đã có 6 quí liên tiếp tăng trưởng. Trong bối cảnh căng thẳng về chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ với các tuyên bố đáp trả cứng rắn nhằm vào Triều Tiên sẽ giúp tăng tỉ lệ ủng hộ Thủ tướng Abe.

Không bỏ lỡ lợi thế này, trong lời kêu gọi tiến hành bầu cử sớm hôm 25/9, ông Abe tiếp tục khẳng định lập trường về Triều Tiên để thu hút sự ủng hộ của cử tri.

“Chính phủ Nhật Bản không sao nhãng việc đối phó với những mối đe dọa từ Triều Tiên, đồng thời cam kết sẽ tăng sức ép nếu Bình Nhưỡng không chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình. Tôi tin rằng chúng ta cần tiến hành một cuộc bầu cử và nhận được sự ủng hộ từ dư luận để đưa ra các biện pháp đối phó với Triều Tiên”, ông Abe tuyên bố.

Cuộc cải tổ nội các tháng 8 vừa qua cũng nhận được phản ứng tích cực từ người dân sau một thời gian tỉ lệ ủng hộ Thủ tướng giảm do các vụ bê bối. Trong khi đó, Đảng Dân chủ đối lập lại đối mặt với những bất ổn do tỷ lệ tín nhiệm thấp và các thành viên rời bỏ hàng ngũ.

Theo kết quả một cuộc khảo sát do Nhật báo thương mại Nikkei công bố cuối tuần qua, nếu cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào thời điểm hiện nay thì có đến 44% tỷ lệ cử tri ủng hộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe, trong khi đó đảng đối lập chính Dân chủ chỉ nhận được 8% tỷ lệ ủng hộ. 

Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike trong một cuộc họp báo ở Tokyo (Ảnh: AP)
Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike trong một cuộc họp báo ở Tokyo (Ảnh: AP)

Mặc dù vậy, con đường phía trước của Thủ tướng Abe cũng đối mặt với không ít khó khăn, khi Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike hôm qua tuyên bố sẽ dẫn đầu đảng Hy vọng (PH) mới thành lập để cạnh tranh với đảng Dân chủ Tự do cầm quyền trong cuộc bầu cử sắp tới.

Vốn là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và cũng từng là thành viên đảng LDP, bà Koike được đánh giá là đối thủ "nặng ký" của ông Abe sau khi bà trúng cử vào vị trí Thị trưởng Tokyo cách đây 1 năm và đảng Người Tokyo trước tiên (Tomin First no Kai) của bà trước đó cùng các đồng minh, đã có được thế đa số trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo hồi đầu tháng 7 vừa qua.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.