Gần một tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin "tay bắt mặt mừng" tại Helsinki, Phần Lan và có cuộc hội đàm kéo dài gần gấp đôi thời gian dự kiến, không ít hy vọng lớn dần lên về một tương lai hai bên sẽ có thể hòa cùng nhịp bước giải quyết nhiều vấn đề nhằm sưởi ấm mối quan hệ đang rơi vào giai đoạn ảm đạm nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki, Phần Lan ngày 16/7. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, thế giới lại đang được chứng kiến hai bên đe dọa và chỉ trích lẫn nhau sau khi Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các trừng phạt mới nhằm vào Nga với kết luận rằng Moskva đã sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc một cựu điệp viên Nga cùng với con gái của ông này tại Anh.
Việc Washington vào thời điểm này trừng phạt Nga liên quan tới vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng với con gái là Yulia, được xác định là bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok hồi tháng 3 ở Anh, được cho là khá bất ngờ. Bởi câu chuyện vụ đầu độc kể trên cho tới nay vẫn gây tranh cãi, dù cả hai cha con cựu điệp viên đều đã bình phục.
Trước đó, Anh cùng các quốc gia phương Tây, trong đó có cả Mỹ, cho rằng chất độc Novichok được sản xuất tại Nga và cáo buộc Moskva đứng sau vụ việc, song Nga kiên quyết bác bỏ. Phương Tây cũng không đưa ra được bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào chứng minh Nga đứng sau vụ đầu độc trên.
Lệnh trừng phạt trên ngay lập tức bị Nga chỉ trích, coi điều này trái với luật pháp quốc tế, và "hoàn toàn không thân thiện", đi ngược lại bầu không khí mang tính xây dựng trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo hồi tháng trước.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho rằng lý do Washington đưa ra để áp đặt trừng phạt là gượng ép đồng thời nhấn mạnh không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh cáo buộc của Mỹ, trong khi phía Mỹ vẫn từ chối giải đáp các thắc mắc của Nga.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng cảnh bảo Mỹ rằng các biện pháp trừng phạt này sẽ được coi là một tuyên bố chiến tranh kinh tế và Nga cũng sẽ đáp trả về mặt kinh tế, chính trị cũng như mọi cách thức cần thiết khác.
Những động thái mới của Mỹ đang đẩy hai quốc gia này trở lại vạch xuất phát trước cuộc gặp thượng đỉnh tại Phần Lan mà sau đó hai nhà lãnh đạo đều tỏ ra rất hài lòng và mô tả với những mỹ từ như "mang tính xây dựng cao" hay "bước khởi đầu quan trọng " hướng tới cải thiện quan hệ song phương.
Trên thực tế, Moskva đã không ít lần thử và cũng từng thành công trong việc làm mới những nỗ lực hàn gắn rạn nứt với Washington kể từ khi tỷ phú Trump lên nắm quyền tại Mỹ hồi năm 2016. Việc hai nhà lãnh đạo ngồi lại với nhau trong cuộc hội đàm tại Helsinki từng được coi là một minh chứng cụ thể cho sự thành công của các nhà ngoại giao Nga trên con đường thực hiện mục tiêu này.
Nhưng sự kiện tưởng như một "chiến thắng ngọt ngào"này lại trở nên "đắng chát" sau tuyên bố mới của Washington. Với Moskva, đây cũng là động thái cho thấy việc kỳ vọng vào một mối quan hệ song phương khởi sắc dưới thời ông Trump là không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ của Mỹ đang cận kề.
Xét cho cùng thì đây cũng là bước đi để Tổng thống Trump xoa dịu những dư luận phản đối từ nội bộ chính giới Mỹ rằng ông đã không thể hiện lập trường cứng rắn với Moskva.
Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã có những động thái "mềm mỏng" hơn với Nga. Tại hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Nga tại Helsinki, ông cũng từ chối chỉ trích Moskva liên quan đến nghi vấn can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.
Khi đó, Tổng thống Trump một lần nữa chúc mừng ông Putin vì nước Nga đã tổ chức thành công ngày hội bóng đá thế giới. Ông chủ Nhà Trắng không hề nhắc tới các lệnh trừng phạt Nga hay vụ đầu độc cựu gián điệp hai mang Sergei Skripal và con gái tại thành phố Salisbury của Anh hồi đầu năm nay.
Nhưng vấn đề chi phối nằm ở chỗ nghị sĩ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã không hài lòng về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh này, vì cho rằng đây là "cơ hội bị bỏ lỡ" để quy trách nhiệm cho Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Vì vậy, các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga vào thời điểm này có thể coi là bước đi cần thiết để đảm bảo đảng Cộng hòa cầm quyền giữ vững thế chủ động trong quốc hội Mỹ sau tháng 11 tới.
Bằng chứng là ngay sau thông báo này, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ Ed Royce, người từng cáo buộc Tổng thống Trump cố tình lờ đi các cuộc tấn công tình báo của Nga, đã hoan nghênh động thái mới là việc làm đúng đắn nhằm đề cao những biện pháp trừng phạt quốc tế với việc sử dụng vũ khí hóa học.
Bên cạnh thông báo về các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới vụ đầu độc điệp viên Skripal, báo giới Mỹ gần đây cũng liên tục đưa thông tin Nhà Trắng đang soạn thảo một sắc lệnh hành pháp cho phép Tổng thống Donald Trump trừng phạt những người nước ngoài can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ.
Những bước đi rõ ràng cho thấy chính quyền Trump đang muốn dập tắt những chỉ trích có thể ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử quan trọng sắp tới, đặc biệt trong mối quan hệ với Nga.
Giới chuyên gia cũng nhìn nhận tuyên bố mới này hoàn toàn có thể đặt dấu chấm hết cho những hy vọng về một tương lai thuận hòa Nga-Mỹ. Chuyên gia Vladimir Vasilyev, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Mỹ- Canada cho rằng những biện pháp trừng phạt mới đồng nghĩa với việc hai bên đang "bước vào cuộc tranh chiến kinh tế", đưa quan hệ song phương bước tới điểm "không thể quay đầu".
Chuyên gia này nhận định cuộc chiến kinh tế đòi hỏi những quyết định mang tính chiến lược từ phía người Mỹ và "họ đã thể hiện rất rõ rằng khi Nga vẫn do Tổng thống Putin lãnh đạo thì sẽ không có cải thiện quan hệ song phương".
Chuyên gia này vì thế nhận định bất chấp bầu không khí tốt đẹp mà hai nhà lãnh đạo đã xây dựng trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng trước, có thể đến cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Trump cũng không tạo ra được một sự thay đổi tích cực nào trong mối quan hệ Moskva- Washington.
Trong khi đó, nhà khoa học chính trị Nga Yevgeny Minchenko chỉ ra rằng đây là thời điểm quan trọng để chính quyền Tổng thống Trump thể hiện họ đang có những biện pháp mạnh mẽ hơn với Nga so với thời của cựu Tổng thống Barack Obama.
Washington cũng cần nguyên tắc đoàn kết đồng lòng trong nội bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn vẹn nguyên bằng cách khẳng định "nếu đồng minh Anh nói Nga phải chịu trách nhiệm thì đó là sự thật".
Đặt trong bối cảnh Mỹ liên tục sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các đối tác thương mại cũng như chính trị để gây sức ép tạo lợi thế đàm phán, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, Dmitri Trenin cho rằng những biện pháp trừng phạt này chẳng khác nào "loạt đạn mới " trong "cuộc chiến" kiểu mới mà Mỹ đã tự lai tạo ra.
Theo cựu Đại tá quân đội Nga, các biện pháp trừng phạt được Mỹ sử dụng như vũ khí chiến đấu và Nga cần phải chuẩn bị đối phó với nhiều "loạt đạn" như vậy hơn nữa trong vài năm tới, thậm chí phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất hoặc rút lui khi cần thiết.
Những diễn biến trên một lần nữa cho thấy sự phức tạp trong những chính sách điều chỉnh quan hệ song phương giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga, mối quan hệ đặc biệt vốn được cho là có sức ảnh hưởng lớn tới tình hình địa chính trị toàn cầu.
Mọi biểu hiện bề ngoài chưa chắc đã phản ánh đúng nội dung bên trong, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Trump vừa mới lên cầm quyền và cần khéo léo cả trong đối nội lẫn đối ngoại để nhận được sự ủng hộ từ chính nội bộ Mỹ.
Dù ông chủ Nhà Trắng từng khẳng định "là hai cường quốc, Nga và Mỹ cần đồng hành" vì tương lai tươi sáng, song khi nước Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử quan trọng, rõ ràng quan hệ Nga và Mỹ vẫn trong tình thế bấp bênh chưa thể dự đoán trước.
Theo TTXVN