Iran khó xoay xở với lệnh trừng phạt của Mỹ

.

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran bắt đầu có hiệu lực từ đêm 7-8, đặt ra thế khó cho quốc gia Cộng hòa Hồi giáo. Tổng thống Donald Trump thậm chí tuyên bố cứng rắn rằng, các công ty giao dịch cùng Iran sẽ bị cấm làm ăn với Mỹ.

Các cuộc biểu tình bùng phát trên khắp Iran trong những tháng qua. Ảnh: AFP
Các cuộc biểu tình bùng phát trên khắp Iran trong những tháng qua. Ảnh: AFP

Những biện pháp trừng phạt trong giai đoạn đầu của Mỹ đối với Iran bao gồm: ngăn chặn Tehran thu mua các ngoại tệ mạnh; cấm hoạt động xuất nhập khẩu kim loại, than, các phần mềm liên quan tới công nghiệp và ngành sản xuất ô-tô. Mỹ cũng đang lên kế hoạch tái sử dụng biện pháp trừng phạt nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Iran kể từ ngày 5-11, mặc dù một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không sẵn sàng cắt toàn bộ hợp đồng năng lượng với Tehran.

Các biện pháp trừng phạt nói trên là một phần trong chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm điều chỉnh các hành vi của Tehran ở Trung Đông. Theo Reuters, Iran đã bác bỏ đề nghị của Nhà Trắng về việc đối thoại, rằng Tehran có thể không đàm phán khi Mỹ đã rời bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) - một thỏa thuận được nước Cộng hòa Hồi giáo ký với nhóm P5+1 với nội dung: dỡ bỏ trừng phạt và quốc gia này ngừng chương trình hạt nhân. Tháng 5-2018, Tổng thống Trump quyết định rút khỏi JCPOA, phớt lờ mọi đề nghị và khẩn cầu của các cường quốc khác, trong đó có các đồng minh châu Âu như Anh, Pháp, Đức và cả Nga, Trung Quốc; đồng thời tuyên bố sẽ tái áp đặt lệnh trừng phạt đơn phương chống Tehran.

Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton cho rằng, cơ hội duy nhất để Iran thoát “án” trừng phạt là chấp nhận đề nghị đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận cứng rắn hơn so với JCPOA. “Họ có thể chấp nhận đề nghị của Tổng thống về việc đàm phán, theo đó sẽ từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo”, ông Bolton nói với hãng Fox News. Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh: “Các cuộc đàm phán đi kèm các lệnh trừng phạt thì không có ý nghĩa gì. Họ đang áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào các trẻ em, người bệnh và cả đất nước Iran”.

Thực tế, kể từ khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ cách đây 2 năm theo JCPOA, sản lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran gia tăng. Song, hầu hết người dân Iran vẫn chưa nhận thấy sự cải thiện về kinh tế sau khi ký kết JCPOA và việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt có nguy cơ làm sụp đổ giá trị đồng Rial trong năm nay. Các chuyên gia phân tích cho rằng, kinh tế của Iran chắc chắn chịu tổn hại nặng nề, điều này thể hiện rõ ràng trong những tháng qua kể từ khi Mỹ dọa trừng phạt. Đồng nội địa Rial giảm đến mức thấp nhất so với đồng USD (40%), chi phí hàng hóa nhập khẩu tăng cao, tình trạng thất nghiệp, các cuộc biểu tình bùng phát trên khắp cả nước…

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Rouhani nói rằng, Iran vẫn có thể dựa vào Trung Quốc và Nga để giữ vững hoạt động của ngành dầu mỏ và ngân hàng. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng khẳng định, phản ứng toàn cầu đối với động thái của Tổng thống Trump cho thấy Mỹ bị cô lập về ngoại giao, nhưng thực tế không thể không nhìn nhận các biện pháp trừng phạt của Washington mang đến cho Iran nhiều khó khăn, nhất là khi 100 tập đoàn quốc tế đã đồng ý rời quốc gia Trung Đông này. Một chuyên gia kinh tế tại Đại học Tehran cho rằng, nền kinh tế Iran đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất.

Châu Âu cam kết giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt từ Mỹ để Iran tiếp tục theo đuổi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Tuy nhiên, nhiều khó khăn đặt ra: các công ty châu Âu hoặc phải rút khỏi Iran, hoặc phải ngừng làm ăn với các doanh nghiệp Mỹ.

Liên minh châu Âu (EU) đã kích hoạt điều luật phòng vệ để bảo vệ các công ty châu Âu khỏi tác động của các lệnh trừng phạt. Điều luật này cấm các công ty châu Âu tuân thủ lệnh trừng phạt từ phía Mỹ, nghĩa là một công ty châu Âu sẽ bị trừng phạt nếu rút khỏi các dự án kinh tế với Iran do sức ép từ lệnh trừng phạt của Washington. Một điều khoản quan trọng khác của điều luật là các công ty châu Âu sẽ được bù đắp thiệt hại do lệnh trừng phạt của Mỹ. Song, động thái này chỉ có ý nghĩa chính trị chứ không có tác dụng thực chất, bởi một thẩm phán Mỹ vẫn có quyền phong tỏa tài sản hiện diện trên đất Mỹ của các công ty châu Âu có quan hệ kinh tế với Iran.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.