Iran xích lại gần Trung Quốc, Nga

.

Gói biện pháp tái trừng phạt đầu tiên của Mỹ nhằm vào Iran có hiệu lực từ ngày 7-8 sẽ đưa Tehran xích lại gần Trung Quốc và Nga.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran.  Ảnh: EPA
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Ảnh: EPA

Bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng, các công ty có giao dịch với Iran sẽ bị cấm làm ăn ở Mỹ, ngày 8-8, Trung Quốc vẫn khẳng định giữ liên kết thương mại chặt chẽ với Tehran, nhất là lĩnh vực năng lượng.

Trong một tuyên bố được Reuters dẫn lời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, Bắc Kinh phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương. “Hợp tác thương mại của Trung Quốc với Iran vẫn mở, minh bạch, vừa phải, công bằng và hợp pháp, không vi phạt bất kỳ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, tuyên bố nêu rõ.

Là đối tác tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu của Iran, Trung Quốc mua 650.000 thùng dầu thô/ngày từ Tehran, chiếm 7% lượng dầu thô nhập khẩu vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung bình mỗi năm, Trung Quốc mua dầu thô của Iran, trị giá 15 tỷ USD. Các công ty năng lượng nhà nước Trung Quốc như CNPC và Sinopec đã đầu tư hàng tỷ USD vào các khu vực dầu mỏ ở Iran như Yadavaran và Bắc Azadegan. Hồi tháng 7, Trung Quốc cũng khẳng định không chấp nhận biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Iran.

Về phía Nga, trước đó, Điện Kremlin tuyên bố sẽ làm “mọi việc có thể” để cứu thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) và bảo vệ lợi ích kinh tế của Moscow với Tehran. Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ thất vọng sâu sắc về việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Tất nhiên, tuyên bố này không làm Tổng thống Trump hài lòng.

Các biện pháp trừng phạt đợt 1 của Mỹ nhằm vào giao dịch mua USD, vàng và các kim loại quý, cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của Iran. Dự kiến ngày 5-11, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đợt 2 nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển, đóng tàu, giao dịch dầu mỏ và các thỏa thuận kinh doanh giữa các thể chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng Trung ương Iran. Đòn trừng phạt được đưa ra sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA hồi tháng 5, bất chấp những nỗ lực ngoại giao, thuyết phục của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson.

Trong lúc này, Iran vẫn phản ứng gay gắt với lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 8-8 cho rằng, thế giới đang chán nản với hành động đơn phương của Mỹ. Theo ông Zarif, kế hoạch của Washington trong việc giảm lượng dầu xuất khẩu của Iran sẽ không thành công. Trong những tuần gần đây, các quan chức Mỹ gây áp lực buộc các nước khác ngừng mua dầu của Iran để Tehran phải ngừng chương trình vũ khí và hạt nhân, cũng như ngừng liên quan đến các cuộc xung đột ở Syria và Iraq. “Họ nghĩ, Iran sẽ không thể xuất khẩu dầu và những hàng hóa khác”, ông Zarif nói. Hồi tháng trước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hàm ý rằng, Iran có thể phong tỏa eo biển Hormuz - nơi mỗi ngày có tới khoảng 18,5 triệu thùng dầu, chiếm gần 30% tổng dầu xuất khẩu bằng đường biển trên thế giới đi qua - nếu Mỹ muốn ngăn chặn dầu xuất khẩu của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Iran đã chuẩn bị các đòn đáp trả. Trung Đông sẽ gánh chịu hệ lụy nếu Iran nối lại hoạt động làm giàu uranium và theo đuổi lại chương trình hạt nhân. Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ không khoanh tay đứng nhìn và quyết bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn hợp pháp với Iran. Tuy nhiên, nhiều công ty lớn của châu Âu trong đó có nhà sản xuất xe hơi Daimler của Đức, đang nối đuôi nhau rời khỏi Iran do lo ngại bị Mỹ trừng phạt.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.