Mỹ và Triều Tiên liên tục đối thoại với nhau “gần như mỗi ngày” dù cả hai bên đều không hài lòng về cách hành xử của đối phương.
Mỹ và Triều Tiên dường như đang liên tục tiến hành các cuộc đối thoại bằng nhiều cách khác nhau từ điện đàm, email cho đến các thông điệp gần như mỗi ngày dù cả hai bên đều thể hiện sự không hài lòng về phía đối phương.
"Tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi vẫn tiếp tục các cuộc đối thoại gần như mỗi ngày với Triều Tiên. Khi dùng từ "đối thoại" thì tức là chúng tôi có thể trao đổi với nhau qua điện thoại, tin nhắn hoặc email", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhận định với báo giới ngày 9-8.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hội nghị Thượng đỉnh Singapore ngày 12-6-2018. Ảnh: Reuters |
Thông tin về việc Mỹ và Triều Tiên đối thoại với nhau gần như mỗi ngày được đưa ra trong bối cảnh các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump tỏ rõ thái độ không hài lòng, không chỉ với sự thất bại trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên mà còn với những gì đang xảy ra khi Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục các chương trình phát triển các loại vũ khí khác nhau.
Một loạt các báo cáo gần đây đã tiết lộ rằng Triều Tiên từ chối chấp nhận yêu cầu phi hạt nhân hóa của Mỹ khi vẫn tiếp tục sản xuất các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể sử dụng nhiên liệu lỏng, tăng cường sản xuất nhiên liệu hạt nhân, đầu tư cơ sở hạ tầng tại một trung tâm nghiên cứu hạt nhân và mở rộng một cơ sở sản xuất tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn.
Theo một báo cáo mật của Liên Hợp Quốc bị rò rỉ ra bên ngoài vào tuần trước, Triều Tiên vẫn "không dừng các chương trình hạt nhân và tên lửa".
Các quan chức Mỹ như Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đều bắt đầu thể hiện sự không hài lòng với cách hành xử của Triều Tiên.
Ông Pompeo gần đây đã cáo buộc Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và thỏa thuận mà ông Kim Jong Un đã ký tại Singapore hồi tháng 6-2018 với Tổng thống Trump. Trong khi đó, ông Bolton khẳng định rằng Triều Tiên "đã không áp dụng các biện pháp mà chúng tôi thấy là cần thiết để phi hạt nhân hóa".
Bà Haley cũng nhận định ngày 8-8 rằng: "Họ phải hiểu rằng cộng đồng quốc tế vẫn đang mong chờ họ thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa và chúng tôi sẵn sàng chờ đợi nếu họ muốn nhưng chúng tôi không muốn phải chờ đợi quá lâu".
Tuy nhiên, Triều Tin tin rằng quốc gia này đã tuân theo các cam kết khi dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, trả tự do cho các tù binh Mỹ và trao trả hài cốt của các binh lính Mỹ trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Bình Nhưỡng cũng thể hiện sự không hài lòng khi Mỹ tiếp tục các lệnh trừng phạt và không chịu thiết lập một cơ chế hòa bình vĩnh viễn để chấm dứt chiến tranh một lần và mãi mãi.
"Nếu sự đối đầu quân sự giữa Triều Tiên và Mỹ có thể kết thúc bằng một tuyên bố chấm dứt chiến tranh, chúng ta sẽ tạo dựng được một tiền đề phù hợp để xây dựng lòng tin", truyền thông Triều Tiên giải thích ngày 9-8 và nhận định thêm rằng "cả hai bên nên nỗ lực để dàn xếp các vấn đề".
Lần cuối ông Pompeo thăm Triều Tiên vào tháng 7, Bình Nhưỡng đã chỉ trích những đòi hỏi vô lý cùng với những kêu gọi đơn phương về tiến trình phi hạt nhân hóa của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên mà không quan tâm đến những yêu cầu của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã miêu tả cuộc gặp này bằng một từ "đáng tiếc".
Theo VOV