Phát biểu tại Diễn đàn An ninh châu Á (ARF) lần thứ 25 và hội nghị Ngoại trưởng Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 8 ở Singapore ngày 4-8, xung quanh tình hình Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh chia sẻ quan ngại về các hoạt động diễn ra trên thực địa, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, gây phương hại tới hòa bình và an ninh khu vực.
TTXVN cho biết, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các bên kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), không quân sự hóa, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng thông báo các sáng kiến của Việt Nam đăng cai hội thảo ARF về tăng cường hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, hội thảo ARF về vận dụng UNCLOS 1982 và các công cụ pháp lý quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức trên biển.
Tham dự ARF và EAS, các bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và vai trò của các tổ chức đa phương; coi đây là trụ cột cho hòa bình, ổn định và phát triển quốc tế.
Cũng tại ARF, các nhà ngoại giao hàng đầu của châu Á thúc giục CHDCND Triều Tiên thực hiện cam kết hủy bỏ hoàn toàn kho hạt nhân trong lúc có những quan ngại rằng, nước này vẫn tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, hãng AP cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho chỉ trích Mỹ “muốn quay trở lại thời kỳ trước kia, khác xa ý định của lãnh đạo nước này”. Theo ông Ri Yong Ho, những động thái của Mỹ có thể làm thỏa thuận giữa Triều Tiên và chính phủ của Tổng thống Donald Trump, trong đó có cam kết của Bình Nhưỡng về việc hoàn thành phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, “đối mặt với những khó khăn”. Ông Ri Yong Ho khẳng định, Triều Tiên bước đầu thể hiện thiện chí, chẳng hạn đã ngừng các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa và phá bỏ các cơ sở thử hạt nhân.
Điều đáng lưu ý là Ngoại trưởng Mike Pompeo dẫn đầu phái đoàn của Mỹ trong các nỗ lực nhằm đối thoại với Triều Tiên, nhưng ông không có cuộc gặp chính thức nào với người đồng cấp Ri Yong Ho bên lề hội nghị ASEAN.
ARF có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước và tổ chức, bao gồm 10 nước ASEAN, 10 đối tác đối thoại của ASEAN (Liên minh châu Âu, Úc, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Mỹ) và các nước Papua New Guinea, Triều Tiên, Mông Cổ, Pakistan, Timor-Leste, Bangladesh, Sri Lanka. EAS là cuộc họp giữa ASEAN và 8 đối tác gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.
THIÊN BÌNH