Mỹ quyết tâm đưa căng thẳng với Trung Quốc lên một mức độ mới khi tiếp tục đưa tàu chiến đi qua khu vực có các đảo tranh chấp ở Biển Đông ngày 30-9.
Hãng tin Fox News dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, 1 tàu chiến của nước này ngày 30/9 đã tiến đến sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Trung Quốc đã xây các tiền đồn quân sự ở đây bất chấp cam kết của họ về việc giữ nguyên hiện trạng ở Biển Đông.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur DDG 73. (Ảnh: Hải quân Mỹ) |
Quan chức giấu tên Mỹ cho biết, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur (DDG 73) “đã đi vào khu vực 12 hải lý” quanh Đá Ga Ven và Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông [thuộc chủ quyền của Việt Nam – ND].
“Lực lượng Mỹ đang hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hàng ngày, trong đó có Biển Đông. Tất cả các hoạt động được lên kế hoạch phù hợp với luật pháp quốc tế và thể hiện rằng Mỹ sẽ cử máy bay và tàu đến bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép” – quan chức Mỹ chia sẻ với CNN.
Quan chức này cũng khẳng định, các chiến dịch này “thách thức những tuyên bố hàng hải quá đáng” và thể hiện cam kết của Mỹ trong việc “giữ vững quyền tự do và việc sử dụng không gian trên biển, trên không phải được đảm bảo cho tất cả các nước theo luật pháp quốc tế”.
Tối 30/9, người phát ngôn Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) Dave Eastburn đã khẳng định với tờ The Hill rằng DDG 73 thực sự đã tiến hành hoạt động trên.
Lần gần đây nhất tàu chiến Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh một đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép là hồi tháng 5. Bằng hành động này, Mỹ đã bác bỏ các tuyên bố phi pháp của Trung Quốc, một quan điểm mà hầu hết cộng đồng quốc tế cũng chia sẻ.
Năm 2015, Mỹ bắt đầu triển khai các tàu và máy bay chiến đấu đến Biển Đông trong một nỗ lực bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở khu vực này.
Gần đây, Mỹ cũng đã kêu gọi các đồng minh ở khu vực tăng cường thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và các tàu của Anh, Nhật Bản, Canada đã thực hiện các chuyến đi khiến Bắc Kinh nổi giận.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị cho biết: “Trung Quốc hy vọng rằng Anh sẽ thực sự thể hiện quan điểm của họ là không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và không làm bất cứ điều gì để làm xáo trộn lòng tin lẫn nhau giữa 2 nước”.
Tuần trước, Trung Quốc tuyên bố sẽ không cho phép một tàu chiến Mỹ thăm Hong Kong tháng sau. “Ăn miếng, trả miếng”, Mỹ cũng cho các máy bay có khả năng ném bom hạt nhân bay qua Biển Đông, hành động bị Bắc Kinh gọi là “gây hấn” dù máy bay Mỹ hoàn toàn bay trong không phận quốc tế.
“Đó là vùng biển quốc tế, các bạn thân mến, hoàn toàn là vùng biển quốc tế” – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói về việc B-52 bay trên Biển Đông và các hoạt động thực thi quyền tự do hàng hải khác gần đây của các tàu chiến Mỹ.
“Nếu đó là chuyện của 20 năm trước khi họ [Trung Quốc – ND] chưa quân sự hóa các thực thể ở đó thì nó cũng chỉ là một chiếc máy bay ném bom trên đường đến Diego Garcia hay đâu đó mà thôi” – ông Mattis hạ thấp quan điểm của Trung Quốc. “Chẳng có vấn đề gì bất thường về chuyện đó cả”.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang dần lan sang nhiều “mặt trận” khi 2 nước không chỉ đối đầu về sức mạnh quân sự mà cả tranh chấp thương mại và trên không gian mạng.
Ngày 26/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ tháng 11 tới nhằm tổn hại cho ông và phe Cộng hòa của ông.
“Họ không muốn tôi hay chúng ta thắng bởi vì tôi là Tổng thống đầu tiên [của Mỹ - ND] thách thức Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại” – ông Trump nói.
Tuyên bố của ông Trump đưa ra chỉ 1 tuần sau khi chính quyền của ông thông báo mức thuế 10% với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, gần băng một nửa lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ năm 2017, bắt đầu có hiệu lực. Mức thuế này sẽ tăng lên 25% từ tháng 1/2019.
Theo VOV