Hơn 192 triệu cử tri Indonesia sẽ bỏ phiếu vào ngày 17-4 trong cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội. Đây là cuộc đối đầu giữa Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo, biệt danh “Jokowi”, xuất thân từ tầng lớp bình dân, với cựu tướng quân đội Prabowo Subianto thuộc giới tinh hoa.
Tổng thống Joko Widodo (trái) và cựu tướng quân đội Prabowo Subianto trong chiến dịch tranh cử ở Jakarta. Ảnh: AP |
Hãng Reuters cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử Indonesia, các chức danh tổng thống, phó tổng thống và các thành viên Hội đồng tham vấn nhân dân (Quốc hội) được bầu cùng ngày. Tổng thống Joko Widodo có nhiều khả năng tái đắc cử mặc dù ông vốn là doanh nhân xuất khẩu đồ nội thất, bắt đầu sự nghiệp chính trị bằng chức Thị trưởng một thành phố nhỏ vào năm 2005, sau đó làm Thống đốc Jakarta năm 2012, rồi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014. Còn đối thủ của ông - cựu tướng quân đội Prabowo Subianto thuộc giới tinh hoa chính trị tại quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới.
Theo hầu hết các thăm dò dư luận, ông Jokowi luôn dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ nhưng phe đối lập hoài nghi về những cuộc khảo sát này. Nhà phân tích chính trị Kevin O’Rourke cho rằng, trong trường hợp ông Jokowi giành chiến thắng với khoảng cách hẹp, sẽ có những cuộc biểu tình quy mô lớn và kéo dài ở thủ đô Jakarta làm gia tăng căng thẳng chính trị.
Lúc nhậm chức tổng thống vào năm 2014, ông Jokowi bị đánh giá là “người ngoại đạo” với chính trị và vị chính khách ngoài giới tinh hoa 57 tuổi phải đối mặt với không ít những công kích suốt 5 năm qua. Song, các chính sách của ông đã giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định; giảm tỷ lệ lạm phát xuống 2,5%, từ mức khoảng 8% lúc ông mới nắm quyền; tỷ lệ nghèo đói cũng giảm, mang lại niềm tin của cử tri. Người dân Indonesia giờ đã quen thuộc với hình ảnh một chính trị gia giản dị trong chiếc áo sơ-mi, nụ cười thường trực và những chuyến “vi hành” đến các khu phố.
Chiến dịch tranh cử của ông Jokowi trong 6 tháng đã kết thúc vào cuối tuần qua với cuộc tuần hành lớn tại sân vận động ở Jakarta. Tại đây, nhà lãnh đạo này bày tỏ lạc quan về tương lai của nền dân chủ lớn thứ ba thế giới mặc dù tăng trưởng kinh tế của Indonesia duy trì ở mức 5% và chưa thực sự khởi sắc. Nếu tái đắc cử, ông sẽ có cơ hội thực hiện kế hoạch “Making Indonesia 4.0”, đưa quốc gia Đông Nam Á này vào top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.
Trong khi đó, đối thủ của ông Jokowi cảnh báo Indonesia bên bờ sụp đổ khi ngập trong nợ nước ngoài, nợ công, phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài; đồng thời nói rằng một số dự án hạ tầng của chính phủ không giúp ích cho dân thường. Cuối tuần qua, ông Prabowo cũng tổ chức cuộc tuần hành lớn; những người ủng hộ mặc áo choàng Hồi giáo và cùng cầu nguyện.
Những người chỉ trích cho rằng, thông điệp của ông Prabowo phần lớn giống thông điệp của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, tức đưa ra những đe dọa đối với đất nước.
Cha của ông Prabowo là một trong những nhà kinh tế học nổi bật nhất ở Indonesia, phục vụ trong nội các của cả hai Tổng thống Sukarno và Suharto. Cựu tướng quân đội 67 tuổi này có quan hệ với một số nhóm Hồi giáo cứng rắn và liên danh với ông - cựu Phó Thị trưởng Jakarta Sandiaga Uno đều cam kết thúc đẩy kinh tế bằng việc giảm thuế, đồng thời tập trung thúc đẩy các dự án hạ tầng quan trọng, xây dựng chính phủ không tham nhũng…
Kết quả sơ bộ sẽ được công bố chỉ vài giờ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Ủy ban Bầu cử dự kiến công bố kết quả chính thức vào tháng 5 tới. Sau khi có kết quả chính thức, các ứng cử viên có 72 giờ để khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp và Ban bồi thẩm gồm 9 người có 14 ngày để đưa ra quyết định. Người chiến thắng trong cuộc đua giành ghế tổng thống sẽ nhậm chức vào tháng 10.
VĨNH AN