Sau 2,5 năm Tổng thống Donald Trump đề xuất kế hoạch khôi phục tiến trình hòa bình Israel - Palestine, Mỹ giờ đây chính thức thúc đẩy “Thỏa thuận thế kỷ” này bằng hội nghị kinh tế ở Bahrain.
Ông Jared Kushner - cố vấn, cũng là con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump - soạn thảo kế hoạch hòa bình Trung Đông. Trong ảnh: Ông Kushner phát biểu tại Đại sứ quán Mỹ khi trụ sở cơ quan này được dời đến Jerusalem năm 2018. Ảnh: Getty Images |
Hội nghị mang tên “Từ hòa bình đến thịnh vượng” diễn ra ở thủ đô Manama của Bahrain ngày 25 và 26-6 nhằm kêu gọi 50 tỷ USD hỗ trợ người dân Palestine. Đây là một phần trong kế hoạch hòa bình Trung Đông (còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”), do ông Jared Kushner - cố vấn, cũng là con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump soạn thảo.
Hãng AFP cho biết, kế hoạch nói trên tập trung vào nhiều dự án phát triển đường sá, điện, giáo dục, thương mại, du lịch và mục tiêu lạc quan hơn là tạo ra 1 triệu việc làm cho người dân Palestine trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, chính quyền Palestine và phong trào Hamas đều tuyên bố tẩy chay hội nghị bởi không có một giải pháp chính trị nào được đề cập, nhất là vấn đề nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là đông Jerusalem. Hàng trăm người dân Palestine đã xuống đường phố ở Bờ Tây, bày tỏ phản đối sự kiện ở Bahrain. Một số người biểu tình ở Ramallah yêu cầu “ngừng hội nghị Bahrain” và mang theo những tấm bảng có dòng chữ “Thỏa thuận thế kỷ là cam chịu”.
Trong lúc đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ trích rằng, lập trường của người Palestine cho thấy họ không nghiêm túc đối với hòa bình. “Tôi không hiểu sao người Palestine bác bỏ kế hoạch ngay cả khi chưa biết nội dung như thế nào”, ông Netanyahu nói. Trong những tháng gần đây, nhà lãnh đạo cánh hữu của Israel đã có những phát biểu về việc sáp nhập các phần ở Bờ Tây và động thái này có thể làm vơi đi những hy vọng của người Palestine đối với một nhà nước độc lập.
Theo Đại sứ Mỹ tại Israel, ông David Friedman, Washington có thể chấp nhận việc sáp nhập và chính phủ của Tổng thống Trump trước đó đã hàm ý rằng, kế hoạch chính trị không đề cập một nhà nước Palestine. Thậm chí, người đứng đầu Nhà Trắng đã có những động thái mạnh mẽ thể hiện sự ủng hộ Israel bao gồm: công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào năm 2017, chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem vào năm 2018…
Đối với các nước châu Âu, dù là đồng minh của Mỹ nhưng “lục địa già” này không an tâm về quan điểm “diều hâu” của chính phủ Washington nên tìm cách “né” hội nghị Bahrain. Lebanon tẩy chay hội nghị. Riêng các nước Arab giàu có tham dự sự kiện. Trong đó, Jordan và Ai Cập - hai quốc gia Arab ký các thỏa thuận hòa bình với Israel - cử các Thứ trưởng Tài chính đến Bahrain. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jordan Sufyan al-Qudah khẳng định, không có đề xuất kinh tế nào có thể thay thế một giải pháp chính trị để kết thúc sự xâm chiếm của Israel đối với lãnh thổ Palestine.
Theo hãng AFP, chính phủ của Tổng thống Trump muốn dùng hội nghị Bahrain để thúc đẩy mối quan hệ thân thiết hơn giữa các nước Arab giàu có với Israel, từ đó củng cố liên minh chống Iran. Bởi vậy, sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo Palestine dường như không ảnh hưởng gì đến mong muốn của Mỹ về liên minh giữa Washington, Israel và một số quốc gia Arab để chống lại Iran.
Song, hãng AP nhận định, dù hội nghị Bahrain có sự hiện diện của ông Jared Kushner, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và các lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), nhưng sẽ không thể mở cánh cửa hòa bình Trung Đông, bởi không có cuộc thảo luận nào bàn về giải pháp đối với những tranh chấp chính trị - vấn đề cốt lõi trong cuộc xung đột kéo dài ở vùng “chảo lửa”.
PHÚC NGUYÊN