Căng thẳng thương mại Nhật - Hàn leo thang

.

Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hiện xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Seoul đang tìm kiếm các biện pháp “khẩn cấp và quan trọng” để đáp trả việc Tokyo hạn chế xuất khẩu sang xứ sở kim chi.

Một thông báo ghi rõ: “Chúng tôi không bán sản phẩm Nhật” tại một cửa hàng ở Seoul. Hàng ngàn người Hàn Quốc đã ký tên vào kiến nghị kêu gọi chính phủ tẩy chay hàng Nhật và không đến xứ sở hoa anh đào. Ảnh: AP
Một thông báo ghi rõ: “Chúng tôi không bán sản phẩm Nhật” tại một cửa hàng ở Seoul. Hàng ngàn người Hàn Quốc đã ký tên vào kiến nghị kêu gọi chính phủ tẩy chay hàng Nhật và không đến xứ sở hoa anh đào. Ảnh: AP

Việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao quan trọng trong sản xuất các linh kiện bán dẫn và màn hình, gồm fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), hydrogen fluoride và resist (chất cản màu) gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước láng giềng khu vực Đông Bắc Á từ đầu tháng 7 đến nay.

Theo quy định mới, các công ty Nhật Bản sẽ phải nộp đơn xin giấy phép cho từng hợp đồng xuất khẩu 3 mặt hàng nêu trên sang Hàn Quốc. Quá trình xét có thể kéo dài khoảng 3 tháng. Các nhà quan sát thậm chí gọi đây là chiến tranh thương mại Nhật - Hàn khi người dân xứ Hàn tẩy chay hàng Nhật và chính phủ Seoul tìm giải pháp đáp trả lệnh hạn chế của Tokyo.

Hãng Yonhap cho biết, chủ trì cuộc họp hiếm hoi với các lãnh đạo đảng cầm quyền và đảng đối lập ngày 18-7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề xuất hai vấn đề khẩn cấp được xem là ưu tiên hàng đầu của ông, trong đó có mối quan hệ với Nhật Bản. “Những gì khẩn cấp và quan trọng nhất lúc này là chúng ta phản ứng như thế nào đối với lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản (chống lại các công ty Hàn Quốc)”, ông Moon nói và kêu gọi Seoul ít phụ thuộc vào Tokyo về các vật liệu nói trên.

Chủ tịch đảng Hàn Quốc Tự do (LKP) đối lập chính, ông Hwang Kyo-ahn, chỉ trích việc Nhật Bản dùng thương mại làm biện pháp đáp trả vấn đề lao động thời chiến và thúc giục Tokyo rút lại quyết định “không phù hợp” này. Theo ông Hwang, Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Abe Shinzo nên giải quyết căng thẳng thông qua một cuộc gặp thượng đỉnh.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki, cuối tháng này, Seoul sẽ công bố hàng loạt biện pháp đối với các ngành công nghiệp vật liệu, linh kiện, trang thiết bị; đồng thời nỗ lực tìm nguồn nhập khẩu thay thế để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước, tránh gây gián đoạn chuỗi cung ứng thẻ nhớ và điện thoại...

Hàn Quốc một mặt dọa trả đũa bằng việc hạn chế xuất khẩu màn hình OLED sang Nhật Bản, một mặt kêu gọi Tokyo dỡ bỏ lệnh hạn chế được cho là “có thể phá vỡ những nguyên tắc thương mại tự do và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu”. Song, phía Tokyo còn dự kiến loại Seoul khỏi “danh sách trắng” gồm 27 nước với lý do nước láng giềng có hệ thống kiểm soát xuất khẩu không đáng tin cậy.

Phán quyết của tòa án Hàn Quốc vào cuối năm 2018 yêu cầu hai công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945 được cho là nguyên nhân dẫn đến sự “trả đũa” kinh tế của Tokyo.

Nhật Bản cho rằng, khi hai nước ký hiệp ước bình thường hóa quan hệ vào năm 1965, Tokyo đã chi trả cho Hàn Quốc khoản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD và các vấn đề đã được giải quyết. Các nạn nhân chiến tranh đã khởi kiện hiệp ước này và cho rằng chính phủ quyết định mà không hỏi ý kiến người dân.

Hãng Reuters cho hay, chính phủ Nhật đang cân nhắc đưa vụ việc lao động thời chiến ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) khi thời hạn quy định sắp hết mà Hàn Quốc vẫn từ chối tham gia Hội đồng trọng tài giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, chưa hẳn ICJ can thiệp được bởi Seoul có thể từ chối tham gia phiên tòa và cánh cửa ngoại giao theo đó sẽ càng đóng lại.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.