Dư luận nước ta và cộng đồng quốc tế đều hiểu rõ rằng: yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đối với Biển Đông là hoàn toàn phi pháp và từng bị Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ngày 12-7-2016 ra phán quyết bác bỏ tính pháp lý. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn quyết không từ bỏ “đường lưỡi bò” bởi điều này gắn bó chặt chẽ đến tham vọng độc chiếm phi pháp bao trùm gần 90% diện tích Biển Đông cũng như đẩy mạnh việc cải tạo trái phép các bãi đá trong khu vực thành các đảo nhân tạo làm căn cứ quân sự để hiện thực hóa điều này.
Để đạt mục tiêu cả trước mắt lẫn lâu dài, giới chức Trung Quốc đã có những bước chuẩn bị hết sức tinh vi để truyền bá những thông điệp sai trái về yêu sách chủ quyền của nước này ra khắp thế giới nhằm từng bước thay đổi quan điểm của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này.
Những diễn biến gần đây cho thấy, đi đôi với việc gia tăng sức ép về chủ quyền đối với Biển Đông thông qua cái gọi là “đường lưỡi bò” trên vùng biển, đảo của nước ta trong những năm vừa qua, đặc biệt là nhiều tháng gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền về “đường lưỡi bò” phi lý thông qua việc cài cắm hết sức tinh vi trong các phương tiện truyền thông, văn hóa, giải trí…
Vụ bộ phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ” (tên tiếng Anh là Abominable) do DreamWorks Animation Studio (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) đồng sản xuất có tới 2 đoạn và 4 cảnh phim xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau 10 ngày công chiếu tại Việt Nam, bộ phim đã bị rút khỏi các rạp và cấm phổ biến.
Cùng với Việt Nam, Malaysia lập tức ra quyết định không cho phép chiếu phim Abominable sau khi hãng phát hành từ chối cắt cảnh phim có “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Điều đáng nói là hãng DreamWorks và Công ty Pearl Studio hợp tác sản xuất đã thẳng thừng từ chối yêu cầu của Malaysia cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Hollywood có thể đã vượt xa hình dung của nhiều người.
Bởi vậy, đồng quan điểm với Việt Nam và Malaysia về bộ phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ”, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 16-10 viết trên Twitter rằng, cảnh phim có “đường lưỡi bò” nên bị cắt và kêu gọi mọi người hãy tẩy chay bộ phim cùng hãng sản xuất. Ông Locsin còn nhấn mạnh: “Đối với tôi, lời kêu gọi tẩy chay tất cả các sản phẩm của DreamWorks bắt đầu từ bây giờ”!
Đây không phải là lần đầu tiên “đường lưỡi bò” xuất hiện trên các sản phẩm văn hóa, thể thao, giải trí mang tính toàn cầu. Trước đó gần 1 tuần, cộng đồng mạng quốc tế phát hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trên một đồ họa của kênh thể thao hàng đầu thế giới ESPN giới thiệu về lãnh thổ Trung Quốc trong chương trình SportCenter. Dù ESPN sau đó lên tiếng nhận lỗi và thanh minh rằng, việc sử dụng đồ họa nói trên là “sai lầm vô ý” và ESPN sửa sai bằng “một tấm bản đồ hoàn toàn khác” không bao gồm “đường lưỡi bò”, nhưng giới quan sát cho rằng, điều này cho thấy “ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với các hãng truyền thông và giải trí lớn có tác động đến cộng đồng quốc tế để truyền bá thông điệp đầy sai trái của mình”.
Năm 2016, tập đoàn Google cũng bị phản ứng gay gắt khi cộng đồng mạng chia sẻ hình ảnh trang Google Maps thể hiện “đường lưỡi bò” trong phần bản đồ Trung Quốc và khu vực Biển Đông. Đáng chú ý, tấm bản đồ “đường lưỡi bò” này chỉ thể hiện trên trang Google Maps phiên bản Trung Quốc có đường dẫn maps.google.cn nhưng lại không xuất hiện ở phiên bản toàn cầu với đường dẫn maps.google.com. Dù sau đó Google “sửa sai” nhưng động thái này cũng gây tổn hại không nhỏ đến uy tín của một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới.
Mới đây, Công ty Trung Thế - đối tác của Saigontourist ở thị trường Trung Quốc, chủ yếu ở thị trường Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn, khi giới thiệu tour đã đưa 15 ấn phẩm có hình “đường lưỡi bò” và đã bị phát giác, ngăn chặn. Ngoài ra, tại nhiều điểm ở cửa khẩu biên giới, hay tại các cảng hàng không, nhiều du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam cũng mang hộ chiếu điện tử có hình “đường lưỡi bò”...
Vì thế, cùng với cộng đồng quốc tế, nhất là các nước có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, mọi cấp, mọi ngành và mọi người Việt Nam cần tỉnh táo, nêu cao cảnh giác trước hành động của Trung Quốc trong quá trình truyền bá thông tin sai trái về cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông”; có phản ứng thích hợp và kịp thời để ngăn chặn hành vi này của Trung Quốc. Đó cũng là hành động tích cực để góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở Biển Đông.
TUYẾT MINH