Tổng thống Trump thừa nhận các quan chức đàm phán thương mại hai nước đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận, nhưng bản thân ông không nóng lòng hoàn tất một thỏa thuận với Bắc Kinh.
Hàng hóa từ Trung Quốc và các nước châu Á được xếp tại cảng Long Beach, California, Mỹ, ngày 14-9-2019. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Mỹ và Trung Quốc có thể đang trên đà tiến tới một thỏa thuận thương mại từng phần, nhưng Washington không vội ký một thỏa thuận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố như vậy ngày 22-11 khi trả lời phỏng vấn của hãng Fox News.
Tổng thống Trump thừa nhận các quan chức đàm phán thương mại hai nước đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận, nhưng bản thân ông không nóng lòng hoàn tất một thỏa thuận với Bắc Kinh.
Cũng theo nhà lãnh đạo Mỹ, nguồn thu từ thuế áp bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là "của trời cho," mặc dù nhiều chuyên gia lại cho rằng nguồn thu này đang gia tăng gánh nặng cho nền kinh tế số một thế giới.
Phát biểu trên của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng ngày cho biết Bắc Kinh muốn một thỏa thuận thương mại với Washington nhưng không ngại đáp trả nếu cần thiết.
Phát biểu với các đại diện tham dự Diễn đàn Kinh tế mới tại Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Trung Quốc muốn hợp tác (với Mỹ) để đạt được thỏa thuận 'giai đoạn 1' dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau."
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc cảnh báo rằng Bắc Kinh sẵn sàng có hành động đáp trả nếu cần thiết.
Ông nói: "Khi cần thiết chúng tôi sẽ đáp trả, song chúng tôi vẫn đang tích cực hợp tác để tránh xảy ra một cuộc chiến thương mại. Chúng tôi không khơi mào cuộc chiến này và đó không phải là điều chúng tôi muốn."
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang kể từ tháng 7-2018, khi hai nước liên tiếp bổ sung các mức áp thuế với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau.
Đầu tháng này, hai bên thông báo đã nhất trí dỡ bỏ thuế đối với hàng hóa của nhau trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nếu thỏa thuận này được hoàn tất.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng tranh chấp thương mại kéo dài giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này đang làm rối loạn các chuỗi nguồn cung, khiến giới đầu tư lo ngại và giảm lòng tin của các doanh nghiệp, do vậy làm gia tăng rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo Vietnam+