Brexit - ngày lịch sử của Anh và EU

.

23 giờ ngày 31-1 (6 giờ ngày 1-2, giờ Việt Nam), Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) và trở thành quốc gia đầu tiên rời khối này. Theo đó, Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng để đàm phán với EU về mối quan hệ trong tương lai trên mọi lĩnh vực, từ hợp tác thương mại đến an ninh.  Sự kiện này cũng đánh dấu thất bại lịch sử của EU khi liên minh còn lại 27 thành viên.

Hãng Reuters cho biết, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ có bài phát biểu trên truyền hình lúc 22 giờ ngày 31-1 (giờ địa phương) với thông điệp lạc quan. “Đây là thời điểm bình minh đến và bức màn được vén lên cho hành động mới”, ông Johnson dự kiến đề cập trong bài phát biểu như vậy. Nhà lãnh đạo này sẽ chủ trì cuộc họp nội các đầu tiên thời hậu Brexit ở Sunderland, phía đông bắc nước Anh. Sunderland là thành phố đầu tiên tuyên bố ủng hộ rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

Đối với những người chủ trương “Leave” (rời EU), Brexit là giấc mơ về “ngày độc lập” của Anh. Họ hy vọng “độc lập” sau 47 năm dưới “mái nhà chung” sẽ giúp Anh thực hiện những cải cách về dân chủ và kinh tế, thúc đẩy quốc gia này vượt qua các đối thủ châu Âu. Trang nhất của báo Daily Mail ngày 31-1 đăng tít “Bình minh mới cho Anh”. Trang nhất tờ Sun đăng dòng chữ “Thời đại của chúng ta đã đến”.

Tuy nhiên, những người muốn “Remain” (ở lại) tin rằng, Brexit là điều điên rồ và sẽ làm nền kinh tế Anh suy yếu. Cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 về “Leave” hay “Remain” đã chia rẽ Vương quốc Anh, khiến xứ sở này bước vào giai đoạn khủng hoảng, rối rắm với tiến trình Brexit. Đêm 31-1, những người ủng hộ Brexit sẽ tập trung ở Quảng trường Quốc hội, trung tâm London và những người phản đối Brexit cũng kêu gọi tụ tập.

Trong lúc đó, theo CNN, bức tranh ở Brussels khá ảm đạm. Quốc kỳ Anh sẽ được gỡ bỏ khỏi tất cả các tổ chức của EU. Các chính trị gia cấp cao EU có lẽ sẽ bày tỏ đây là ngày buồn đối với châu Âu. Những ngày này, người dân châu Âu trên khắp EU đã nói lời tạm biệt nhau.

Các nhà quan sát cho rằng, sau Brexit, không thể ngay lập tức có những thay đổi, bởi đàm phán giữa Anh và EU trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ không dễ dàng. Đàm phán chính thức sẽ được bắt đầu vào ngày 3-3. Theo đó, hai bên sẽ vạch ra những ưu tiên và cả “giới hạn đỏ”. Ngày 31-1, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cảnh báo, khi không còn là thành viên EU, Anh không thể tiếp cận lợi ích cao nhất.  

Theo CNN, về lý thuyết, Brexit sẽ mang lại nhiều thay đổi, nhưng trên thực tế lại rất ít. Trong 11 tháng tới, Anh sẽ tiếp tục tuân thủ các quy định của EU, tiếp tục đóng góp ngân sách nhưng không có tiếng nói trong các chính sách của khối nữa. Anh sẽ không có đại diện trong các tổ chức của EU và không còn tham dự bất kỳ cuộc họp nào của các nhà lãnh đạo khối này. Điều đó có nghĩa là những thay đổi lớn chỉ mang tính biểu tượng.

THIÊN BÌNH

 

;
;
.
.
.
.
.