WHO kêu gọi đoàn kết chống Covid-19

.

Tại hội nghị an ninh Munich lần thứ 56 ngày 15-2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi thế giới đoàn kết để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19).
 

Du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly ở cảng Yokohama, phía nam thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Có 355 trường hợp nhiễm virus trên du thuyền này.					                      Ảnh: AFP/Getty Images
Du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly ở cảng Yokohama, phía nam thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Có 355 trường hợp nhiễm virus trên du thuyền này. Ảnh: AFP/Getty Images

Hội nghị an ninh Munich ở Đức thông thường là diễn đàn về an ninh, hòa bình, xử lý những vấn đề nảy sinh trong quan hệ quốc tế nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; tìm biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng; hàn gắn những bất đồng giữa Mỹ và châu Âu… Nhưng hội nghị lần thứ 56 diễn ra từ ngày 14 đến 16-2 đã dành nhiều thời gian để bàn về Covid-19, xem đây là một trong những thách thức của toàn cầu.

Ngừng kỳ thị

Hãng Tân Hoa xã cho hay, phát biểu tại hội nghị an ninh Munich, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi thế giới đoàn kết, không kỳ thị, bởi “kẻ thù lớn nhất không phải là virus mà là sự kỳ thị”. “Chúng ta phải ngừng kỳ thị và ghét bỏ lẫn nhau”, ông Tedros nhấn mạnh. “Dịch Ebola và Covid-19 bùng phát nhấn mạnh một lần nữa về tầm quan trọng sống còn của tất cả các nước trong việc đầu tư công tác chuẩn bị và không hoảng loạn”, ông Tedros nói. Theo người đứng đầu WHO, thế giới dành hàng tỷ USD để chuẩn bị đối phó với khủng bố, nhưng lại bỏ ra chi phí ít ỏi để sẵn sàng ứng phó với cuộc tấn công của virus vốn gây chết người nhiều hơn, hủy hoại kinh tế, chính trị và xã hội nhiều hơn.  

Ông Tedros cho biết, bản thân ông cảm thấy được khích lệ khi Trung Quốc thực hiện nhiều hành động nhằm giảm sự lây lan của dịch bệnh, nhưng vị quan chức này vẫn lo ngại về số trường hợp nhiễm bệnh tăng cao trong thời gian qua thông qua báo cáo về số nhân viên y tế nhiễm bệnh hoặc tử vong. “Không thể dự đoán hướng đi của dịch bệnh này”, hãng AP dẫn lời ông Tedros nói.

Tổng Giám đốc WHO cũng khuyến khích các chuyên gia quốc tế đang có mặt ở Trung Quốc phối hợp với các đồng nghiệp của nước sở tại để tìm hiểu về sự bùng phát của dịch bệnh và thông báo các bước phản ứng tiếp theo của toàn cầu.

Trong khi đó, ngày 16-2, ở Trung Quốc đại lục, số ca nhiễm bệnh được ghi nhận là 2.009 ca và đây là ngày thứ ba liên tiếp con số này giảm; tổng số người nhiễm bệnh là 68.500. Có thêm 142 ca tử vong, nâng tổng số người chết tại Trung Quốc đại lục lên 1.665 người. Bên ngoài biên giới Trung Quốc đại lục, có 5 trường hợp khác tử vong (ở Philippines, Hong Kong - Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp và Đài Loan - Trung Quốc). Trường hợp mới nhất ở Đài Loan là một người lái taxi 60 tuổi, chưa từng ra nước ngoài.

Tại vùng tâm dịch Hồ Bắc, số ca tử vong trong ngày 16-2 cũng giảm với 139 người. Người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Mi Feng nói rằng, đây là dấu hiệu cho thấy nước này đang kiểm soát được dịch bệnh. “Có thể thấy hiệu quả của công tác phòng, chống dịch ở những khu vực khác nhau của đất nước”, ông Mi Feng phát biểu với báo giới.

Đưa công dân trên du thuyền Diamond Princess về nước

Một vấn đề lớn nhất bên ngoài biên giới Trung Quốc được đặt ra là du thuyền Diamond Princess có khoảng 3.700 hành khách và thủy thủ, hiện bị cách ly ở cảng Yokohama, phía nam thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Ngày 16-2, có thêm ít nhất 70 ca dương tính với Covid-19, trong đó có 3 người Israel, nâng tổng số ca nhiễm bệnh trên du thuyền lên 355 người.

Mỹ tuyên bố sẽ điều máy bay đưa khoảng 400 công dân của mình về nước, nhưng sẽ cách ly 2 tuần theo đúng quy định. Những trường hợp nghi nhiễm phải chờ thêm 14 ngày ở Nhật để bảo đảm họ không có biểu hiện bệnh trước khi trở về. Hiện có 46 người Mỹ trên du thuyền Diamond Princess nhiễm virus.

Hong Kong (Trung Quốc) dự kiến hành động tương tự đối với khoảng 330 công dân của đặc khu hành chính này có mặt trên du thuyền. Ý và Canada cũng sẽ đưa công dân về nước. “Ý không bao giờ để công dân của mình đơn độc. Chúng ta là người Ý, không ai bị bỏ lại phía sau”, Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio nói. Những hành khách Canada có triệu chứng nhiễm virus sẽ không thể lên máy bay và được theo dõi y tế tại Nhật Bản.

Về du thuyền MS Westerdam cập cảng ở Campuchia, Bộ Y tế quốc gia Đông Nam Á này khẳng định đã phối hợp với WHO cùng Cơ quan phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) thực hiện các biện pháp kiểm tra theo đúng quy trình với toàn bộ thành viên trên tàu nhưng chưa phát hiện trường hợp nào dương tính. Tuy nhiên, giới chức Malaysia khẳng định một nữ hành khách người Mỹ trên du thuyền MS Westerdam dương tính với Covid-19. Người phụ nữ này đã bay từ Campuchia tới Malaysia hôm 14-2 sau khi du thuyền cập cảng ở Campuchia.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.