Chống Covid-19: Bài học từ Ý

.

Ý đã vượt qua Trung Quốc về số ca tử vong do Covid-19 và trở thành tâm chấn của đại dịch này. Bi kịch của Ý là lời cảnh báo đối với các nước láng giềng châu Âu và Mỹ.

Nhà ga trung tâm ở Milan (Ý) vắng vẻ khi lệnh phong tỏa được áp dụng trên cả nước.  Ảnh: CNN
Nhà ga trung tâm ở Milan (Ý) vắng vẻ khi lệnh phong tỏa được áp dụng trên cả nước. Ảnh: CNN

Ngày 23-3, với thêm 651 người chết và 5.560 ca nhiễm, Ý có tổng cộng 5.476 ca tử vong và hơn 59.000 ca nhiễm. Trong khi đó, Trung Quốc đại lục có 3.270 người chết. Chính phủ Ý liên tục bổ sung các biện pháp thắt chặt hơn nữa hoạt động đi lại của người dân; quy định mới nhất là nghiêm cấm các phương tiện di chuyển từ địa giới hành chính này sang địa giới hành chính khác, áp dụng trên cả nước.

Không quyết liệt ngay từ đầu

Những gì mà Ý trải qua cho thấy, biện pháp phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng dịch bệnh, hạn chế việc đi lại của người dân cần được thực hiện sớm, ranh giới cần phải rõ ràng tuyệt đối và sau đó là thực thi nghiêm ngặt. Theo báo New York Times, mặc dù Ý là quốc gia phương Tây đầu tiên áp dụng biện pháp cứng rắn chưa từng có để ngăn chặn virus lây lan, nhưng các nhà chức trách còn dò dẫm từng bước, chứ không quyết liệt ngay khi dịch mới bùng phát. Vấn đề quan trọng nhất đối với họ lúc đó vẫn là bảo vệ các quyền tự do dân sự cơ bản cũng như nền kinh tế.

Ban đầu, Ý phong tỏa các thị trấn, sau đó phong tỏa các khu vực, tiếp theo là đóng cửa cả nước. Bà Sandra Zampa, Thứ trưởng Bộ Y tế nói rằng, Ý đã làm những gì tốt nhất có thể. “Chúng tôi đóng cửa dần dần, như châu Âu đang làm. Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Mỹ đang làm như vậy. Mỗi ngày chúng ta đóng cửa một chút, từ bỏ một chút thói quen thường ngày. Virus không cho phép chúng ta sống như bình thường”, bà Zampa nói.

Một số quan chức Ý bảo vệ quyết định chậm trễ, nhấn mạnh đây là khủng hoảng quốc gia chưa từng có. Họ cho rằng, chính phủ đã phản ứng nhanh và quyết liệt, hành động ngay lập tức theo lời khuyên của các nhà khoa học, nhanh chóng đưa ra các quyết định dù những chủ trương này gây tổn hại kinh tế hơn so với các quốc gia láng giềng ở châu Âu.

Tuy nhiên, báo New York Times nhận định, thực tế có nhiều lỗ hổng và cơ hội đã bị bỏ qua. Khi dịch mới bùng phát, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte và nhiều quan chức hàng đầu trong chính phủ đã cố gắng trấn an, hạ thấp mối đe dọa từ dịch bệnh, tạo ra cảm giác an toàn sai lầm về khả năng virus lây lan. Khi số ca nhiễm tăng cao, họ đổ lỗi cho việc xét nghiệm quá nhiều ở khu vực phía bắc kể cả với những người chưa có triệu chứng, đồng thời cho rằng việc xét nghiệm như vậy chỉ gây hoảng loạn và làm xấu hình ảnh của đất nước. Đến khi chính phủ của ông Conte xem việc phong tỏa cả nước là cần thiết, giới chức cũng không thuyết phục được người dân tuân thủ quy định, bởi Ý có nền dân chủ lâu đời.

Hồi tháng 1, một số quan chức cánh hữu thúc giục Thủ tướng Conte cách ly những học sinh từ Trung Quốc trở về vùng phía bắc giàu có của Ý. Số học sinh này là con em của các gia đình nhập cư người gốc Hoa. Ông Conte từ chối đề xuất này. Đến ngày 30-1, ông mới ra lệnh ngừng tất cả chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. “Chúng ta là quốc gia đầu tiên ở châu Âu thực hiện biện pháp phòng ngừa như thế”, ông Conte nói.

Không thể xác định “bệnh nhân số 0”

Ngày 20-2, Ý ghi nhận “bệnh nhân số 1” tại thị trấn Codogno, tỉnh Lodi thuộc vùng Lombardy: một người đàn ông 38 tuổi. Điều đáng nói là bệnh nhân này trước đó đã tham dự 3 bữa tiệc, chơi bóng đá, đến bệnh viện 2 lần, lây nhiễm cho hàng trăm người, trong đó có cả bác sĩ và y tá. Lombardy trở thành tâm dịch ở Ý và châu Âu.

Tuy nhiên, “bệnh nhân số 1” không tiếp xúc với ai từ Trung Quốc, cũng không đến cường quốc châu Á này. Điều đó có nghĩa Ý không thể xác định được “bệnh nhân số 0”. Cũng theo báo New York Times, SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở Ý trong vài tuần trước lúc xác định “bệnh nhân số 1”. Nhiều người có thể đã nhiễm virus mà không có triệu chứng và dễ nhầm với cảm cúm thông thường.

Ngày 23-2, Ý có 130 ca nhiễm. 11 thị trấn bị phong tỏa. Các trường học, bảo tàng, nhà hát ở Lombardy phải đóng cửa. Ngày 24-2, Ý có hơn 200 ca nhiễm và 7 ca tử vong. Ngày 25-2, với 309 ca nhiễm và 11 ca tử vong, Thủ tướng Conte vẫn khẳng định: “Ý là quốc gia an toàn và có lẽ an toàn hơn nhiều nước khác”.
Ngày 27-2, ở Milan - thủ phủ của vùng Lombardy, Thị trưởng Beppe Sala tuyên bố chiến dịch “Milan không dừng lại” và mở cửa nhà thờ Duomo, một trong những điểm đến nổi tiếng tại thành phố này.  

Trong cuộc họp báo lúc 2 giờ sáng 8-3, Ý ghi nhận những con số kinh ngạc: hơn 7.300 người mắc Covid-19 và 366 người chết. Ông Conte lúc này công bố những biện pháp hạn chế đi lại của người dân ở phía bắc. “Chúng ta đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp quốc gia”, người đứng đầu chính phủ nói.
Song, báo chí đã làm rò rỉ sắc lệnh của ông Conte trước đó 1 ngày. Nhiều người dân Milan đã đổ đến ga tàu tìm cách rời khỏi khu vực này, tạo thành làn sóng di cư có thể mang mầm bệnh xuống phía nam
Ngày 9-3, khi số ca nhiễm và tử vong tăng vọt với những con số lần lượt hơn 9.100 và 463, ông Conte áp đặt lệnh phong tỏa đối với cả nước. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, giải pháp này quá muộn. Giờ đây, Ý là vùng tâm dịch lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc đại lục), nhưng số ca tử vong ở đất nước hình chiếc ủng vượt cả Trung Quốc đại lục. Cuối tuần qua, Thủ tướng Conte nói rằng, Ý đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai. Ông Domenico Arcuri, người đứng đầu nỗ lực cứu trợ SARS-CoV-2 của chính phủ Ý nói với đài RAI: “Ý đang trong chiến tranh”.

WHO: Biện pháp phong tỏa không đủ đánh bại Covid-19

Ông Mike Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, các nước không thể đơn thuần dựa vào việc phong tỏa để chống lại Covid-19, mà cần có các giải pháp y tế công cộng để ngăn dịch bùng phát sau đó. “Những gì chúng ta thực sự cần là tập trung tìm ra ai nhiễm bệnh và cách ly họ, đồng thời tìm các trường hợp tiếp xúc với họ và cách ly”, ông Ryan trả lời phỏng vấn BBC. Theo vị chuyên gia của WHO, điều nguy hiểm lúc này là phong tỏa mà không áp dụng các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ thì khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, dịch bệnh sẽ bùng phát.   

Hầu hết các nước châu Âu và Mỹ đang theo cách làm của Trung Quốc đại lục cũng như một số nước châu Á, cụ thể là hạn chế đi lại, yêu cầu người dân ở nhà; đóng cửa trường học, bar, quán rượu, nhà hàng, các điểm giải trí… Theo ông Ryan, những gì Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc đã thực hiện (hạn chế đi lại kết hợp với kiểm tra mọi trường hợp nghi nhiễm) là cách làm mẫu cho châu Âu khi “lục địa già” đang trở thành tâm dịch của thế giới.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.