"Lương thực là vắc-xin tốt nhất chống lại sự hỗn loạn"

.

Ngày 9-10, Ủy ban Nobel Na Uy thông báo trao giải thưởng Nobel Hòa bình 2020 cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP) vì những nỗ lực đấu tranh chống nạn đói, cải thiện các điều kiện cho hòa bình ở những khu vực bị ảnh hưởng xung đột.

Máy bay của WFP viện trợ lương thực gần một ngôi làng ở quận Ayod, Nam Sudan hồi  tháng 2-2020. Ảnh: AFP/Getty Images
Máy bay của WFP viện trợ lương thực gần một ngôi làng ở quận Ayod, Nam Sudan hồi tháng 2-2020. Ảnh: AFP/Getty Images

Hãng CNN dẫn lời bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, nhấn mạnh đại dịch Covid-19 làm gia tăng số nạn nhân của nạn đói trên thế giới. Khi đối mặt với đại dịch, WFP đã có những nỗ lực ấn tượng và “cho đến khi tìm ra vắc-xin (ngừa Covid-19), lương thực vẫn là vắc-xin tốt nhất chống lại sự hỗn loạn”.

Với giải Nobel Hòa bình 2020, Ủy ban Nobel Na Uy muốn nhấn mạnh rằng, những hỗ trợ nhằm tăng cường an ninh lương thực không chỉ giúp ngăn chặn nạn đói, mà còn giúp cải thiện các triển vọng về ổn định và hòa bình. Ủy ban Nobel Na Uy cũng muốn thế giới hướng về hàng triệu người đang chịu đựng hoặc đối mặt với nguy cơ nạn đói trên toàn cầu. Bà Andersen cho biết, giải Nobel Hòa bình năm nay là thông điệp gửi đến các chính phủ trên toàn thế giới rằng, “đừng cắt giảm tài chính cho các tổ chức nhân đạo quốc tế”. Bà nói: “Đại dịch cũng cho thấy một vấn đề khác rất quan trọng: Hợp tác đa phương là điều tối cần thiết để đương đầu với những vấn đề toàn cầu”.

Dù giao thức ăn bằng trực thăng, trên lưng voi hay lạc đà, Chương trình Lương thực thế giới tự hào là tổ chức nhân đạo hàng đầu trong một thế giới mà theo ước tính, khoảng 690 triệu người - tức cứ 11 người thì có 1 người - ôm bụng đói khi ngủ”.
Ủy ban Nobel Na Uy

Theo báo New York Times, lựa chọn của Ủy ban Nobel Na Uy cho giải Nobel Hòa bình năm nay có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - đang dần giảm hỗ trợ cho Liên Hợp Quốc (LHQ). Sau khi giải Nobel Hòa bình 2020 được công bố, WFP cho biết trên Twitter: “Đây là sự ghi nhận đối với công việc của những nhân viên WFP, những người mạo hiểm mạng sống của mình mỗi ngày để đem lương thực và sự hỗ trợ đến hơn 100 triệu trẻ em, phụ nữ và nam giới đang đói trên toàn thế giới”. Tổ chức này cho biết, giải thưởng là “lời gợi nhắc mạnh mẽ” rằng hòa bình và #ZeroHunger (tạm dịch: “Không còn nạn đói”) luôn đi đôi với nhau. Người phát ngôn của WFP Tomson Phiri cũng chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ cung cấp lương thực cho hôm nay và ngày mai, mà chúng tôi còn trang bị cho mọi người kiến thức, phương tiện để nuôi sống bản thân cho mai sau”.

Theo thông cáo của Ủy ban Nobel, WFP là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới trong giải quyết nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực. Năm 2019, WFP đã hỗ trợ gần 100 triệu người là nạn nhân của tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói nghiêm trọng ở 88 quốc gia. Tổ chức này cũng đóng vai trò chính trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói (thuộc nhóm Mục tiêu tăng trưởng bền vững) của LHQ. Qua các dự án tiên phong ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á, WFP đã đi đầu trong việc kết hợp công tác nhân đạo với các nỗ lực hòa bình. Là cơ quan chuyên môn lớn nhất của LHQ, WFP được đánh giá là “một phiên bản hiện đại” của các ủy ban hòa bình mà giải Nobel Hòa bình muốn thúc đẩy.

Được thành lập vào năm 1961, có trụ sở chính ở Rome (Ý), WFP đóng vai trò lớn trong việc giúp đỡ nạn nhân của những thảm họa nhân đạo lớn nhất thế giới, trong đó có nạn đói ở Ethiopia vào những năm 1980, chiến tranh ở Yugoslavia vào những năm 1990, sóng thần ở châu Á năm 2004 và động đất ở Haiti năm 2010.

Nobel Hòa bình là giải thưởng được trao hằng năm cho các cá nhân hoặc tập thể có đóng góp lớn nhất cho nền hòa bình thế giới. Năm nay, có tổng cộng 211 cá nhân và 107 tổ chức được đề cử.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.