Chống biến đổi khí hậu: Chờ lời hứa biến thành hành động

.

Mỹ cam kết trong 14 năm tới sẽ chuyển sang sử dụng các nguồn điện không gây phát thải và tới năm 2050 có một nền kinh tế hoàn toàn không còn phát thải khí nhà kính. Còn Trung Quốc cam kết sẽ giảm mức phát thải khí CO2 về 0 vào năm 2060.

Những dòng xe đông đúc trên đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc trước thời điểm bùng phát Covid-19. Trung Quốc là nước phát thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới. Ảnh: MIT News
Những dòng xe đông đúc trên đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc trước thời điểm bùng phát Covid-19. Trung Quốc là nước phát thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới. Ảnh: MIT News

Bất kể cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều cam kết thực hiện những giải pháp chống biến đổi khí hậu, những căng thẳng trong quan hệ song phương khiến dư luận lo ngại có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến lộ trình đó. Trung Quốc và Mỹ lần lượt là hai nước phát thải khí carbon đứng đầu và đứng thứ hai thế giới. Lượng khí nhà kính do hai nước này thải ra bằng gần một nửa so với lượng phát thải của phần còn lại.

Quyết tâm của Mỹ và Trung Quốc

Theo AP, việc cắt giảm nhanh lượng phát thải carbon là điều kiện tiên quyết để ngăn chặn những kịch bản tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sẽ không thể thực hiện được việc cắt giảm trừ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng lòng hợp tác và tin tưởng các cam kết hành động của nhau.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, chính phủ Mỹ thường lấy thực tế phát thải khí carbon của Trung Quốc là lý do để không chịu hành động. Trong quá khứ, Trung Quốc cũng từng dẫn thực trạng phát thải khí carbon của Mỹ làm lý do để không có động thái gì. Song, những động thái mới và tích cực hơn đã bắt đầu xuất hiện. Mỹ đã chính thức rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu vào tháng 11-2020 (thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu 2015 - COP21 ở Paris, Pháp). Nhưng Tổng thống Joe Biden khi vừa nhậm chức đã đưa Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận, đồng thời cam kết đưa nội dung xử lý khủng hoảng khí hậu thành vấn đề ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông.

Truyền thông quốc tế cũng đang theo sát các biện pháp hành động cụ thể của Trung Quốc trong kế hoạch giảm phát thải khí carbon trong 5 năm tới sẽ được công bố trong cuộc họp ngày 5-3. Cũng như thế, trong tháng 4 tới, Tổng thống Mỹ Biden dự kiến công bố các mục tiêu cắt giảm phát thải mới của Washington. Trước đó, tháng 9-2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ giảm mức phát thải khí CO2 về 0 vào năm 2060. Còn Tổng thống Biden cũng đã cam kết trong 14 năm tới sẽ chuyển sang sử dụng các nguồn điện không gây phát thải và tới năm 2050 có một nền kinh tế hoàn toàn không còn phát thải khí nhà kính.

Mỹ và Trung Quốc bổ nhiệm những chính khách kỳ cựu làm người đại diện chính phủ để tham gia các diễn đàn khí hậu toàn cầu. Phía Mỹ là cựu Ngoại trưởng John Kerry, còn phía Trung Quốc là ông Giải Chấn Hoa - Phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc. Mặc dù hai chính khách cấp cao này từng làm việc ăn ý với nhau trong giai đoạn cùng tham gia xây dựng nền tảng cho thỏa thuận khí hậu Paris 2015, nhưng hiện họ đều đối mặt với những thách thức mới.

Quan hệ hợp tác trong chính sách ngoại giao khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ bị phủ bóng bởi tác động tiêu cực từ những vấn đề địa chính trị khác. Giới chức Trung Quốc không hài lòng với các chính sách hạn chế đã áp đặt từ thời ông Donald Trump với hoạt động thương mại, công nghệ, truyền thông và du học sinh Trung Quốc tại Mỹ…

Tăng tốc hành động

Nội dung then chốt mà các nước đang hướng đến là thực thi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, trong đó yêu cầu các nước kìm hãm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu từ 1,5 - 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, thế giới cần giảm khoảng 45% lượng khí thải vào năm 2030 thì mới có thể giới hạn mức tăng nhiệt trung bình trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi cuối tháng 2-2021, những cam kết mà một số nước đưa ra sẽ giúp giảm chưa tới 1% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, một phần rất nhỏ trong số 45% lượng khí thải cần phải cắt giảm.

Tháng 12-2020, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã thúc giục lãnh đạo các nước trên thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu, đồng thời nhấn mạnh biến đổi khí hậu là “mối đe dọa có thật”. Đến tháng 1-2021, khi trả lời báo giới, ông Guterres cũng đề nghị Trung Quốc và Mỹ hợp tác hành động vì khí hậu. Ông nói rằng, có một lĩnh vực hội tụ lợi ích ngày càng tăng và nên được hai cường quốc cùng toàn thể cộng đồng quốc tế theo đuổi, đó là hành động vì khí hậu. Ông cho biết mặc dù hai nước có quan điểm khác nhau về các vấn đề khác, nhưng hoàn toàn có thể hợp tác trong vấn đề chống biến đổi khí hậu

Theo Bloomberg, Mỹ sẽ phải đưa ra những biện pháp cụ thể đầu tiên để thực hiện cam kết, trước COP26 dự kiến vào tháng 11-2021 tại Glasgow (Vương quốc Anh), với các mục tiêu khí hậu mới khắt khe hơn cho đến năm 2030. Bên cạnh đó, AP cho rằng, không thể không nói đến các khoản chi ngân sách khổng lồ cho hạ tầng và công nghệ để một quốc gia chuyển dịch sang nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch và tái tạo như gió, mặt trời, các loại nhiên liệu đốt sạch khác. Đây cũng chính là những thách thức không nhỏ đặt ra với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong lộ trình dài hơi đạt được mục tiêu lớn trong chống biến đổi khí hậu.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.