Tròn 10 năm sau thảm họa kép động đất - sóng thần ở Fukushima, Nhật Bản đã chi hàng trăm tỷ USD cho việc tái thiết. “Vùng đất chết” hồi sinh mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra.
Một số tòa nhà mới được xây dựng ở thị trấn Onagawa, tỉnh Miyagi. (Ảnh chụp ngày 4-3-2021). Ảnh: AP |
Ngày 11-3-2011, trận động đất mạnh 9 độ Richter gây ra sóng thần quét qua khu vực ven biển phía đông bắc Nhật Bản, khiến gần 20.000 người chết, hơn 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa và làm tê liệt nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Hơn 300 tỷ USD cho công tác tái thiết
Thảm họa Fukushima là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Sự cố khiến lượng lớn chất phóng xạ rò rỉ vào không khí, đất và nước ở khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Theo Reuters, thời điểm đó, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan lo ngại sẽ phải sơ tán cả người dân ở thủ đô Tokyo, hoặc tình hình còn nghiêm trọng hơn thế.
Chính phủ Nhật Bản chi khoảng 300 tỷ USD để xây dựng lại vùng Tohoku bị sóng thần tàn phá, nhưng có lo ngại về phóng xạ vẫn còn ở những khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Các thành phố, hệ thống đê điều, chắn sóng, hệ thống giao thông, trường học... được xây dựng lại tại Tohoku, nhưng có tới 60% cơ sở hạ tầng không được người dân sử dụng. Vùng Tohoku bao gồm 6 tỉnh: Akita, Aomori, Fukushima, Iwate, Miyagi và Yamagata; trong đó Fukushima, Iwate và Miyagi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa. Thị trấn Onagawa thuộc tỉnh Miyagi được xem là nơi phục hồi nhanh nhất với những con đường đã được hình thành, nhà ga hiện đại, các nhà hàng và cửa hiệu cũng mọc lên...
Theo AFP, phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 9-3-2021, Thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh, nếu không tái thiết, vùng đông bắc sẽ không bao giờ phục hồi, và nếu không tái thiết vùng đất này, Nhật Bản sẽ không bao giờ hồi sinh. Ông khẳng định ưu tiên hàng đầu của chính phủ là tiếp tục nỗ lực tái thiết sau thảm họa kép năm 2011. Theo đó, Nhật Bản sẽ bước vào giai đoạn 2 (2021-2025) của quá trình tái thiết và phục hồi vùng đông bắc, với chi phí ước tính 1.600 tỷ yen (15 tỷ USD). Hàng loạt công việc được đặt ra trong giai đoạn này như: trợ giúp các khu vực bị ảnh hưởng, chữa trị tâm lý cho người dân, xây dựng các cộng đồng dân cư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu và giáo dục quốc tế, xử lý nước thải có chứa phóng xạ tritium và các chất phóng xạ khác...
Hồi tháng 2-2021, Tòa án Cấp cao Tokyo yêu cầu chính phủ Nhật Bản và tập đoàn TEPCO - nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi - bồi thường 278 triệu yen (khoảng 2,63 triệu USD) liên quan đến khủng hoảng. Theo phán quyết của tòa, việc chính phủ không sử dụng quyền lực quản lý nhà nước để buộc TEPCO thực hiện các biện pháp ngăn chặn trận sóng thần gây ra thảm họa hạt nhân là “cực kỳ vô lý”.
Còn đó nhiều thách thức
Theo BBC, nhiều thách thức đến nay vẫn được đặt ra. Hàng chục ngàn công nhân cần khoảng 30-40 năm nữa để dọn dẹp sạch sẽ, an toàn chất thải hạt nhân, thanh nhiên liệu và hơn 1 triệu tấn nước phóng xạ còn lưu giữ tại khu vực xung quanh nhà máy Fukushima Daiichi. Hãng tin Reuters cho biết, chỉ 9/33 lò phản ứng thương mại còn lại của Nhật Bản được phê duyệt để khởi động lại theo các tiêu chuẩn an toàn hậu, nhưng chỉ 4 lò đang hoạt động. Trước khi xảy ra thảm họa, Nhật Bản vận hành đến 54 lò phản ứng.
Một vấn đề khác là người dân Nhật Bản hiện vẫn ám ảnh về thảm họa và tranh cãi về vai trò của năng lượng hạt nhân trong các nguồn năng lượng hỗn hợp, trong lúc Thủ tướng Suga muốn đất nước Đông Bắc Á này đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050 để hạn chế sự ấm lên của toàn cầu. Khảo sát do đài NHK thực hiện cho thấy, gần 70% số người dân Nhật được hỏi nói rằng, họ muốn giảm bớt hoặc loại bỏ các nhà máy điện hạt nhân ở xứ sở hoa anh đào.
Thêm vào đó, còn nhiều lý do để lo ngại về sự phơi nhiễm phóng xạ của người dân tại khu vực xảy ra thảm họa sẽ tích tụ theo thời gian. Vì vậy, nhiều cư dân chưa muốn trở về nhà. Tuy nhiên, AFP dẫn một báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố ngày 9-3 cho rằng, thảm họa Fukushima không gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe của cư dân địa phương suốt 10 năm qua.
BÌNH YÊN