Việc FAA chấp thuận cho Boeing khắc phục lỗi hệ thống điện trên máy bay 737 MAX đã mở đường cho dòng máy bay này quay trở lại hoạt động trong bối cảnh mùa du lịch Hè nhộn nhịp đang tới gần.
Máy bay Boeing 737 MAX 9 tại nhà máy Renton ở bang Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 13-5, Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ thông báo đã nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý Mỹ, trong việc khắc phục lỗi tại hệ thống điện khiến hơn 100 máy bay 737 MAX trên toàn cầu phải tạm ngừng hoạt động kể từ đầu tháng 4 vừa qua.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Boeing nêu rõ: "Sau khi có được sự phê duyệt cuối cùng từ Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), chúng tôi đã thông báo tới các đội bay bị ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với các khách hàng của mình trong khi họ nỗ lực hoàn thành công việc để đưa máy bay của họ trở lại hoạt động. Chúng tôi cũng nỗ lực hoàn tất các công việc để có thể nối lại việc cung cấp."
Việc FAA chấp thuận cho Boeing khắc phục lỗi hệ thống điện trên máy bay 737 MAX đã mở đường cho dòng máy bay này quay trở lại hoạt động trong bối cảnh mùa du lịch Hè nhộn nhịp đang tới gần.
Trước đó, Boeing ngày 9-4 cho biết đã gửi thông báo tới 16 hãng hàng không đang khai thác dòng máy bay 737 MAX về lỗi nêu trên.
Tuy dẫn đến việc tạm ngừng khai thác hơn 100 máy bay 737 MAX, cũng như tiến độ bàn giao máy bay mới cho đối tác của Boeing, nhưng lỗi phát hiện trong quá trình sản xuất của hãng này đến nay không gây ảnh hưởng đáng kể đến các hãng hàng không, do hoạt động vận tải hành khách vẫn còn khá ảm đạm vì dịch Covid-19.
Theo Boeing, lỗi tại hệ thống điện có thể ảnh hưởng đến hoạt động của bộ điều khiển nguồn dự phòng trên các máy bay.
Trong khi đó, FAA cho rằng các sự cố mới xuất hiện trên dòng máy bay 737 MAX liên quan "vấn đề kết nối điện và hạ cánh."
Ngoài ra, cơ quan này cũng lưu ý thêm rằng các phân tích và thử nghiệm sau đó cho thấy sự cố có thể liên quan đến các hệ thống khác.
Sự cố này tiếp tục gây thêm thách thức với Boeing khi dòng 737 MAX chỉ vừa mới được cấp phép hoạt động trở lại vào tháng 11-2020.
Trước đó, dòng 737 MAX bị cấm bay trên toàn cầu trong 20 tháng sau khi xảy ra hai vụ tai nạn hàng không thảm khốc của hãng Lion Air năm 2018 tại Indonesia và của Ethiopian Airlines năm 2019 đều liên quan mẫu máy bay này, khiến 346 người thiệt mạng.
Theo TTXVN/Vietnam+