Mỹ dư vắc-xin ngừa Covid-19

.

Một số bang ở Mỹ đang dư vắc-xin ngừa Covid-19 và yêu cầu Chính phủ liên bang ngừng cung ứng thêm. Trong lúc đó, số ca nhiễm mới ở cường quốc này giảm mạnh.

Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 Johnson & Johnson cho người dân ở thành phố Bidderford, bang Maine của Mỹ. Ảnh: AFP/Getty Images
Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 Johnson & Johnson cho người dân ở thành phố Bidderford, bang Maine của Mỹ. Ảnh: AFP/Getty Images

Hãng tin CNN cho biết, giới chức Mỹ đã tiến hành tiêm 261,2 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, tính tới ngày 11-5 (giờ Mỹ), tức cứ 100 người thì có 79 liều vắc-xin được tiêm. Trung bình Mỹ đang tiêm khoảng 1,98 triệu liều vắc-xin mỗi ngày, giảm so với mức 3,38 triệu liều vào ngày 13-4. Ngày 10-5, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép khẩn cấp tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của Hãng dược Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Quyết định này là bước đi quan trọng để các trường THCS và THPT có thể mở cửa trở lại.

Một thực tế đang đặt ra, nhiều bang của Mỹ trước đây mong nhận được vắc-xin ngừa Covid-19 để triển khai tiêm chủng cho người dân thì nay đối mặt với tình trạng cung vượt cầu. Báo New York Times dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận Chính phủ liên bang đã chuyển tổng cộng 329 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 tới các bang, trong đó có 261,2 triệu liều đã được sử dụng.

Một số bang đang thừa vắc-xin do nhu cầu tiêm thấp hơn so với lượng vắc-xin còn trong kho. Nhiều chính quyền bang đã tìm cách cách thuyết phục những người ngần ngại trong việc tiêm vắc-xin, hoặc phải dừng nhận thêm các chế phẩm từ Chính phủ liên bang. Chẳng hạn, các bang North Carolina, Connecticut, South Carolina đề nghị giảm số lượng vắc-xin tiếp nhận.

Cuối tháng trước, bang Arkansas yêu cầu dừng hẳn việc vận chuyển vắc-xin tới bang này trong 1 tuần. Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho 50% dân số trong 90 ngày tới. Nếu bang này không dùng vắc-xin được cấp, số vắc-xin này sẽ được đưa tới bang Massachusetts - nơi có tỷ lệ người dân chấp nhận tiêm vắc-xin cao hơn.

Thực tế, nhu cầu tiêm chủng ở Mỹ giảm khi số lượng ca nhiễm mới mỗi ngày giảm từ mốc 70.000 ca/ngày hồi giữa tháng 4 xuống còn khoảng 43.000 người, giảm đáng kể so với mức 250.000 ca hồi tháng 1. Số người nhập viện và tử vong do Covid-19 cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục giảm thì sẽ kéo theo các làm sóng dịch mới. Vì vậy, Chính quyền các bang đang nỗ lực vận động tiêm chủng với việc thiết lập các cơ sở tiêm chủng lưu động, loại bỏ các yêu cầu về đặt lịch hẹn, chuyển vắc-xin đến những khu vực xa xôi.

Trả lời phỏng vấn ABC News, TS. Anthony Fauci - Cố vấn y tế của Nhà Trắng, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ - cho rằng đến lúc bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch và cho phép người Mỹ hưởng thành quả từ việc tiêm chủng. Cũng theo TS. Fauci, sẽ khó xảy ra đợt bùng phát Covid-19 mới nếu Mỹ đạt được hoặc vượt mục tiêu của Tổng thống Biden, đó là 70% dân số được tiêm chủng ít nhất một liều vắc-xin trước ngày 4-7.

Ngày 11-5 (giờ Mỹ), AFP dẫn lời Tổng thống Biden cho biết, 40% trong số các nhà lãnh đạo trên thế giới đã liên hệ với ông, đề nghị Mỹ hỗ trợ mua vắc-xin ngừa Covid-19. Ông Biden không đề cập cụ thể nước nào. Tuy nhiên, cũng theo AFP, các nước ngày càng quan tâm về việc chia sẻ số vắc-xin ngừa Covid-19 mà Mỹ đang dư cho những quốc gia đang thiếu vắc-xin.

Trước đó, ngày 10-5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi hợp tác toàn cầu trong vấn đề chia sẻ vắc-xin ngừa Covid-19 và xem đây là sự lựa chọn duy nhất để chấm dứt đại dịch. “Sự bất bình đẳng toàn cầu trong việc tiếp cận vắc-xin vẫn là một trong những nguy cơ lớn nhất trong việc chấm dứt đại dịch Covid-19”, ông Tedros nói.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.