Tìm ẩn số để đổi mới EU

.

Trong chặng đường tồn tại và phát triển của Liên minh châu Âu (EU), các nhà lãnh đạo khối bắt đầu nhận ra sự già cỗi, không hợp thời của liên minh chính trị và kinh tế này. Do vậy, vấn đề cải cách nhiều lần được EU đặt ra vào năm 2002 và 2018, nhưng đều không thành công do có quá nhiều sự khác biệt giữa các nhà lãnh đạo và ý kiến công dân của khối.

Trong những năm gần đây, việc Anh rời EU đặt ra câu hỏi lớn về sự tồn tại của khối. Hay vấn đề người tị nạn cũng là thách thức lớn cho các nhà lãnh đạo châu Âu về biên giới, về việc tiếp nhận, giải quyết người tị nạn đến từ Trung Đông và Bắc Phi… Thậm chí, cuối tháng 3-2019, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau nhấn mạnh, các nước không đáp ứng yêu cầu của khu vực Schengen trong lĩnh vực kiểm soát biên giới phải rời hiệp ước.

Ông Loiseau nói: “Đây không phải là lời đe dọa, đây là luật chơi. Chúng tôi muốn các quốc gia được hưởng đặc quyền của việc tự do dịch chuyển phải khiến hệ thống này hoạt động tốt hơn vì lợi ích của người châu Âu. Không thể đơn giản nhận lợi ích mà không có trách nhiệm nào”.

Cách đây một năm, các nhà lãnh đạo EU tiếp tục đặt ra cuộc tham vấn ý kiến công dân của khối về tương lai của khối sẽ như thế nào. Mãi đến ngày 8-5 vừa qua, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu - 3 đồng chủ tịch cuộc tham vấn ý kiến công dân EU mới đạt được thỏa thuận cụ thể về việc tổ chức một hội nghị toàn thể tại Strasbourg (Pháp), với sự tham gia của 433 thành viên, bao gồm đại diện chính quyền các quốc gia thành viên, nghị sĩ châu Âu, Ủy ban châu Âu, nghị sĩ các quốc gia thành viên… và 116 đại diện của xã hội dân sự.

Ngày 9-5 vừa qua, kỷ niệm ngày Tuyên bố Shuman vào năm 1950 (còn gọi là Ngày châu Âu), cuộc tham vấn ý kiến công dân về tương lai EU chính thức được khai mạc tại thành phố Strasbourg của Pháp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị mọi người thảo luận về tất cả các vấn đề lớn, từ biên giới của EU đến các thể chế mới, các dự án văn hóa, giáo dục và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu…

Theo ông, quá trình tham vấn ý kiến công dân về tương lai EU cũng nhằm tìm tiếng nói đồng thuận về những vấn đề lớn, từ đó giúp các nhà lãnh đạo đưa ra quyết định để đến gần hơn với 450 triệu công dân của mình.

Dù ủng hộ mô hình dân chủ của châu Âu dựa trên sự đoàn kết nhưng ông Macron thừa nhận “đôi khi châu Âu không đi đủ nhanh và có thể không có đủ tham vọng”. Đặc biệt, ông Macron kêu gọi người dân châu Âu lấy cảm hứng từ Mỹ để xác định lại những cách thức phát triển tương lai của mình.

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 cho thấy EU thiếu các công cụ hữu hiệu để phản ứng nhanh chóng và hiệu quả trước các tình huống khẩn cấp trên toàn châu lục. Do vậy, EU đã bị dư luận chỉ trích nặng nề vì chiến dịch tiêm chủng bắt đầu chậm hơn so với Mỹ và Anh.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Covid-19 “đã gây ra đau thương... Chúng ta cần tìm cách nói về điều đó nếu chúng ta muốn vượt qua… Không có cách nào tốt hơn để làm điều đó ngoài cách đưa ra triển vọng và khả năng thay đổi mọi thứ theo chiều hướng tốt hơn”.

Bà Ursula von der Leyen kêu gọi giới trẻ đóng góp ý kiến để “xây dựng các phương thức đoàn kết và công bằng xã hội mới giữa các thế hệ”, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại cuộc sống của thế hệ trẻ châu Âu trong tương lai sẽ kém hơn thế hệ trước.

Do dịch bệnh nên cuộc tham vấn ý kiến công dân được tiến hành hoàn toàn qua mạng, thông qua địa điểm chính là trụ sở Nghị viện châu Âu tại Strasbourg. Kết luận chính thức của cuộc tham vấn sẽ được công bố vào mùa xuân 2022, khi Pháp đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU.

Có thể nói, việc EU tham vấn công dân để chuẩn bị những bước cải cách sắp tới đã phản ánh rất rõ nhiều vấn đề đang tồn tại làm sự phát triển của khối bị ì ạch, gây chia rẽ, nhất là trong lúc “lục địa già” chịu ảnh hưởng Covid-19 nghiêm trọng.

Theo nhật báo Le Monde (Pháp), ẩn số lớn hiện nay là thái độ của công dân châu Âu đối với cuộc tham vấn này vì 2 cuộc đóng góp ý kiến trước đó của công dân châu Âu về tương lai EU (năm 2002 và 2018) đều không thành công.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.