Iran bước vào "kỷ nguyên mới"

.

Báo chí của Iran cho rằng, việc quốc gia này có tân Tổng thống Ebrahim Raisi là “bình minh của kỷ nguyên mới”. Ông Raisi cũng cam kết củng cố niềm tin của dân chúng vào chính phủ trong lúc đất nước đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế và dịch bệnh.

Người dân Iran đổ xuống đường phố Tehran, bày tỏ niềm vui khi ông Ebrahim Raisi đắc cử tổng thống. 							                Ảnh: AP
Người dân Iran đổ xuống đường phố Tehran, bày tỏ niềm vui khi ông Ebrahim Raisi đắc cử tổng thống. Ảnh: AP

Hãng tin AFP cho biết, trang nhất nhật báo Resalat ngày 20-6 đăng tựa “Bình minh của kỷ nguyên mới” chào đón kết quả bầu cử tổng thống với chiến thắng thuộc về Bộ trưởng Tư pháp 62 tuổi Ebrahim Raisi. Ông Raisi giành được 17,9 triệu phiếu bầu (gần 62% số phiếu trong tổng số 28,9 triệu phiếu được kiểm). Người về thứ hai là ứng cử viên Mohsen Rezaei, cựu quan chức Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, với 3,4 triệu phiếu bầu. Ông Rezaei và 2 ứng cử viên khác đã thừa nhận thất bại.

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Raisi khẳng định sẽ nỗ lực củng cố niềm tin của người dân Iran vào chính phủ, hướng đến “cuộc sống tươi sáng và vui vẻ cùng nhau”. Ông Raisi sẽ kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani vào tháng 8 tới và điều này được cho là ảnh hưởng đến mối quan hệ Iran - Mỹ.

Theo tờ New York Times, chiến thắng của ông Raisi có thể giúp củng cố việc tái lập thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đã ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), mặc dù vị chính trị gia này không có thái độ ôn hòa với Mỹ nhiều như người tiền nhiệm Rouhani. Kể từ tháng 4-2021, Iran nỗ lực đàm phán với các cường quốc để JCPOA hồi sinh theo mong muốn của lãnh tụ tối cao, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei; đồng thời thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào tài chính và dầu mỏ.

Hãng tin Reuters cho biết, ngày 20-6, các nhà đàm phán của Iran và 6 cường quốc lại nhóm họp ở Vienna (Áo). Trưởng đoàn đàm phán Iran, ông Abbas Araqchi, nói rằng để thu hẹp những khác biệt, đòi hỏi quyết định chủ yếu từ phía Mỹ. Song, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không dễ dàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran mà không đòi hỏi những điều kiện mang tính ràng buộc. Mỹ đến nay vẫn khẳng định lập trường chỉ dỡ bỏ lệnh trừng phạt sau khi Tehran ngưng làm giàu uranium ở mức độ cao và quay trở về mức 3,67% như cam kết.

Một quan chức Mỹ phát biểu với trang web tin tức Axios rằng, chính phủ của Tổng thống Biden muốn hoàn tất thỏa thuận với Iran để trở lại JCPOA trong vòng 6 tuần trước khi tân Tổng thống Raisi tuyên thệ nhậm chức và sẽ thật quan ngại nếu đàm phán kéo dài đến đầu tháng 8. Song, theo ông Araghchi, không thể đạt được thỏa thuận ở những vòng đàm phán hiện tại và Iran không muốn “lãng phí thời gian”.

Trong khi đó, theo Reuters, triển vọng về mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Iran với các nước Arab vùng Vịnh có thể phụ thuộc vào tiến trình hồi sinh JCPOA sau khi ông Raisi đắc cử Tổng thống. Nhà phân tích Jean-Marc Rickli tại Trung tâm Geneva về Chính sách an ninh cho rằng, việc khôi phục JCPOA và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ xoa dịu khủng hoảng kinh tế của Iran, đồng thời tạo đòn bẩy cho các cuộc đàm phán ở vùng Vịnh. Các nước Arab vùng Vịnh muốn đưa chương trình tên lửa đạn đạo của Iran vào JCPOA nhằm ngăn chặn chạy đua vũ trang và xung đột ở khu vực.

Khi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran, quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này có thể tái hội nhập kinh tế toàn cầu, tăng sản lượng khai thác dầu thô lên khoảng 4 triệu thùng/ngày trong vòng 1-3 tháng, nâng mức xuất khẩu dầu thô lên hơn 2,5 triệu thùng/ngày. Năm 2020, GDP của Iran giảm 6%; đồng Rial suy yếu; lạm phát trên 45%; tỷ lệ thất nghiệp là 11,2%. Đó là chưa kể Iran bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 với hơn 3 triệu ca mắc và 82.900 ca tử vong, tính đến ngày 20-6, theo trang thống kê worldometers.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.