Phép thử trong quan hệ Mỹ - Israel

.

Chính phủ mới của Israel lên kế hoạch tăng cường quan hệ với Mỹ. Một câu hỏi được đặt ra: Tổng thống Mỹ Joe Biden và tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett xử lý mối quan hệ song phương như thế nào để định hình triển vọng hòa bình và ổn định ở Trung Đông.

Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett lên kế hoạch tăng cường mối quan hệ với Mỹ. Ảnh: AP
Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett lên kế hoạch tăng cường mối quan hệ với Mỹ. Ảnh: AP

Hãng tin AP cho biết, ngay sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Israel diễn ra vào giữa tháng 6 với việc liên minh 8 đảng chính thức thành lập được chính phủ thứ 36 của Nhà nước Do Thái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chúc mừng và điện đàm với tân Thủ tướng Naftali Bennett. Tổng thống Biden nói rằng, ông mong đợi làm việc cùng Thủ tướng Bennet nhằm củng cố mọi mặt trong quan hệ gần gũi và bền vững giữa hai quốc gia. Washington cam kết hợp tác với chính phủ mới của Israel nhằm thúc đẩy an ninh, ổn định, hòa bình cho người Israel, Palestine và người dân ở khu vực nói chung.

Như vậy, chỉ 3 tiếng đồng hồ sau khi chính phủ mới của Israel tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Bennett và Tổng thống Biden đã có cuộc điện đàm. Trước đó, 3 tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden mới có cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Israel lúc đó là ông Benjamin Netanyahu. Hãng tin AP dẫn lời cựu Đại sứ Mỹ tại Israel, Daniel C. Kurtzer, cho rằng giờ đây “tinh thần chung của quan hệ Israel - Mỹ đã có một khởi đầu rất tốt. Chính phủ của ông Biden rõ ràng muốn gửi thông điệp rằng họ sẵn sàng đối thoại”.

Cũng theo AP, chính phủ của ông Bennett khẳng định muốn khôi phục quan hệ với đảng Dân chủ Mỹ và khôi phục sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ đối với Israel. Tel Aviv từ lâu đã xem Mỹ là đồng minh thân thiết nhất, là nước bảo trợ an ninh và vị thế quốc tế cho mình, trong khi Washington dựa vào sức mạnh quân sự và tình báo của Israel tại khu vực Trung Đông đầy biến động.

Song, theo các nhà quan sát, mối quan hệ giữa Mỹ - Israel sẽ khó có khả năng thay đổi nhiều thời hậu Netanyahu, bởi không dễ thu hẹp các bất đồng. Có thể thấy rõ nhất là chính phủ của Tổng thống Biden đang theo đuổi việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), nhưng Israel không muốn kịch bản này xảy ra. Phát biểu trước khi nhậm chức, Thủ tướng Bennett đã cảnh báo Israel sẽ không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời gửi thông điệp tới Washington rằng “thật sai lầm khi trở lại thỏa thuận hạt nhân”.

Về xung đột Israel - Palestine, ông Biden nhiều lần khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước và phản đối các kế hoạch định cư của Tel Aviv ở Bờ Tây. Ông Biden cũng đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ các thành viên đảng Dân chủ về việc Israel chiếm đóng Bờ Tây, dẫn tới việc ngày càng có nhiều lời kêu gọi cắt giảm hoặc giới hạn khoản viện trợ quân sự hằng năm 3,8 tỷ USD mà Mỹ gửi cho Israel.

Còn ông Bennett từng tuyên bố sẽ làm mọi điều trong phạm vi quyền hạn để phản đối thành lập Nhà nước Palestine và ủng hộ mở rộng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây. Chính phủ liên minh của Israel hiện gồm nhiều phe, từng phe phái có sự khác biệt rõ rệt về quan điểm và lợi ích chính trị. Các thành viên của chính phủ liên minh như ông Yair Lapid - lãnh đạo của đảng trung hữu Yesh Atid và Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz muốn áp dụng cách tiếp cận hợp tác hơn với chính phủ Mỹ. Song, ông Bennett và các đối tác cánh hữu đối mặt với áp lực phải duy trì cách tiếp cận cứng rắn của ông Netanyahu không chỉ trong vấn đề Iran mà còn đối với cuộc xung đột Israle - Palestine. Hãng tin AP gọi đây là những phép thử cho quan hệ Mỹ - Israel dưới thời hai chính phủ mới.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.