Những cam kết được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Vịnh Carbis, Cornwall, tây nam nước Anh từ ngày 11 đến 13-6 đánh dấu sự khởi đầu mới của khối này sau 4 năm chia rẽ.
Các nhà lãnh đạo G7 chụp ảnh lưu niệm trên trên bãi biển Cornwall, Vương quốc Anh. Ảnh: Getty Images |
Thủ tướng Anh Boris Johnson ca ngợi “Tuyên bố Vịnh Carbis” là kế hoạch hành động mang tính lịch sử của G7 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Canada) nhằm nỗ lực ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, sau khi Covid-19 làm hơn 3,8 triệu người chết và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế.
Theo AP, “Tuyên bố Vịnh Carbis” bao gồm một loạt cam kết về phát triển và cấp phép vắc-xin, củng cố mạng lưới giám sát y tế toàn cầu; thống nhất mức thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%; chống biến đổi khí hậu; đầu tư hàng trăm tỷ USD vào cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, thực hiện sáng kiến “Build Back Better” (Xây dựng lại tốt đẹp hơn) để đối trọng với sáng kiến “Belt and Road” (Vành đai, con đường) của Trung Quốc…
Hãng tin AP bình luận: G7 muốn chứng minh sự hợp tác quốc tế đang trở lại sau những biến động do Covid-19 và những chính sách khó đoán định của Mỹ dưới thời ông Donald Trump. G7 gửi đi thông điệp rằng, câu lạc bộ giàu có này là người bạn tốt đối với các nước nghèo, bằng chứng là cam kết cung cấp 1 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho thế giới, một nửa trong số đó đến từ Mỹ và 100 triệu liều đến từ Anh.
Nhìn chung, những gì diễn ra ở Vịnh Carbis trong 3 ngày theo chiều hướng tích cực. Các nhà lãnh đạo mỉm cười trước camera trên bãi biển Cornwall khi chụp ảnh lưu niệm lần đầu tiên kể từ cuộc họp thượng đỉnh năm 2019 ở Pháp đến nay. Họ cũng đã gặp gỡ Nữ hoàng Anh Elizabeth II trong tiệc chiêu đãi của Hoàng gia. Các đồng minh của Mỹ cảm thấy nhẹ nhõm khi Washington trở lại G7 với vai trò một đối tác, thay cho chính sách “nước Mỹ trên hết” trong 4 năm ông Trump làm Tổng thống. “Nước Mỹ trở lại và các nền dân chủ trên thế giới đang sát cánh cùng nhau”, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu như vậy khi đến Anh hôm 10-6.
Cũng tại hội nghị lần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson mô tả ông Biden “mang đến làn không khí mát”. Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau cuộc gặp gỡ trực tiếp với người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã nói: “Thật tuyệt vời khi có Tổng thống Mỹ tham gia câu lạc bộ và rất sẵn lòng hợp tác”.
Một vấn đề đặt ra là mục tiêu tái định hình thế giới của G7 có quá tham vọng không. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử 44 năm, khối không đã đưa ra tuyên bố chung với lý do “cuộc khủng hoảng dân chủ sâu sắc”. Còn lần này, các nhà lãnh đạo theo đuổi tinh thần hợp tác đa phương nhằm bảo đảm thế giới phát triển bình đẳng hơn. Vì vậy, Tổng thống Biden nói rằng, Mỹ cho đi 500 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 “vô điều kiện” và G7 cũng đã ghi dấu mốc lịch sử khi chấm dứt 4 thập niên các tập đoàn đa quốc gia đóng thuế quá ít ỏi.
Tất nhiên, các nước vẫn tính toán cho lợi ích quốc gia của mình, như Anh muốn thúc đẩy chiến lược “Nước Anh toàn cầu” thời hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU); Đức và Pháp không muốn rơi vào thế khó khi đứng giữa mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc… Bởi vậy, họ muốn gắn kết đồng minh, đưa ra một lập trường chung, một chính sách đối ngoại thống nhất, nhất là khi thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có khủng hoảng về y tế và kinh tế.
“Chúng ta đã ở đây, đoàn kết, quyết tâm tạo ra sự khác biệt…”, Tổng thống Pháp Macron viết trên Twitter. Những gì gọi là khác biệt ấy dù chưa được thể hiện bằng những cam kết, nhưng một sự khởi đầu mới đang đến với G7.
VĨNH AN