Anh mở cửa để phục hồi kinh tế

.

Chính phủ Anh ngày 19-7 dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế, tạo đà phục hồi kinh tế. Truyền thông Anh gọi đây là “Ngày tự do” sau hơn một năm thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để phòng, chống Covid-19.

Hành khách đến nhà ga Waterloo ở thủ đô London ngày 19-7. Ảnh: Evening Standard
Hành khách đến nhà ga Waterloo ở thủ đô London ngày 19-7. Ảnh: Evening Standard

Theo AFP, kế hoạch mở cửa trở lại đã được Thủ tướng Anh Boris Johnson chuẩn bị từ lâu. Giờ đây, người dân Anh không còn bị buộc phải mang khẩu trang, có thể tụ tập đông đúc ngoài trời hoặc trong không gian kín. Biện pháp giãn cách xã hội sẽ chỉ áp dụng với những người có kết quả xét nghiệm dương tính và ở sân bay, còn các địa điểm như hộp đêm và sân vận động sẽ tự do mở cửa với công suất tối đa.

Ngay khi vừa bước sang ngày 19-7, những người trẻ ở Anh đã đổ xô đến các hộp đêm để tham gia những sự kiện âm nhạc. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3-2020 đến nay, họ được trở lại hộp đêm mà không bị bất kỳ quy định nào ràng buộc. Tuy nhiên, khi số ca nhiễm mới không ngừng gia tăng lên đến hơn 50.000 ca mỗi ngày trong tuần qua (ngày 17-8 là 48.100 ca), với sự xuất hiện của biến thể Delta, kế hoạch “Ngày tự do” gây nhiều tranh cãi, thậm chí bị cho là “canh bạc” nhiều rủi ro.

Hãng tin AFP cho biết, Anh xếp thứ 7 thế giới về số ca tử vong do Covid-19 (128.708 người), nhưng có tên trong danh sách những nước dẫn đầu thế giới về chương trình tiêm chủng. Hiện 88% số người trưởng thành ở Anh đã tiêm 1 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 và 68% số người đã hoàn thành 2 mũi tiêm. Các nhà phân tích cho rằng, nếu vắc-xin chứng minh được hiệu quả trong việc giảm số ca nhiễm và tử vong, quyết định mở cửa của Thủ tướng Johnson có thể mở đường để nước Anh vượt qua khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên qua. Nếu không, xứ sở sương mù có thể phải áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và mọi việc sẽ trở nên tồi tệ hơn. Đó là chưa nói đến việc mở cửa có thể dẫn đến sự xuất hiện các biến thể mới và kháng lại vắc-xin.

Cũng trong ngày 19-7, Cơ quan Dịch vụ Y tế Anh (NHS) yêu cầu những người bị ứng dụng của cơ quan này ghi nhận phải tự cách ly đến ngày 16-8. Thị trưởng London Sadiq Khany tuyên bố người sử dụng phương tiện giao thông công cộng tại thủ đô phải đeo khẩu trang kể từ sau ngày 19-7. Điều đó cho thấy nước Anh chia ra 2 luồng ý kiến: Cơ quan y tế, các nhà dịch tễ học, một số quan chức và một bộ phận người dân muốn chính phủ tiếp tục áp đặt các biện pháp cứng rắn vì lo ngại SARS-CoV-2 và biến thể của nó sẽ tiếp tục làm số ca nhiễm mới gia tăng, đồng thời gây thiệt hại về mạng người; nhưng những người khác bày tỏ vui mừng vì những hạn chế mà họ cho là kinh khủng nhất trong lịch sử thời bình được dỡ bỏ.

Trong lúc đó, Thủ tướng Johnson và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak phải tự cách ly sau khi được xác định đã tiếp xúc gần với một người nhiễm Covid-19. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Johnson cho hay, chính hiệu quả của chương trình tiêm chủng đã cho phép ông tiến hành “Ngày tự do” 19-7. Song, nhà lãnh đạo này cũng nói rằng, quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế có thể dẫn đến một làn sóng dịch mới - như cảnh báo của các nhà khoa học, và số ca tử vong cũng tăng lên, nhưng “nếu chúng ta không thể mở cửa lại xã hội trong vài tuần tới…, thì ta phải tự hỏi khi nào chúng ta mới có thể trở lại bình thường?”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.