Số ca nhiễm biến thể Delta đang tăng vọt ở nhiều nước trên thế giới. Theo đó, các quốc gia siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch và tiếp tục thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19.
Người dân làm các thủ tục để chờ tiêm vắc-xin Pfizer/BioNTech ở thành phố Lyon (Pháp) ngày 7-7. Ảnh: AP |
Tính đến ngày 14-7, toàn cầu có hơn 188,6 triệu ca nhiễm và 4,06 triệu ca tử vong, theo trang thống kê worldometers.
Mỹ tăng tốc tiêm chủng
Hãng tin AP cho biết, đường cong thể hiện tình hình Covid-19 ở Mỹ thay đổi theo hướng tăng trở lại sau nhiều tháng giảm, với số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng gấp đôi trong 3 tuần qua. Một phần nguyên nhân là do biến thể Delta, còn gọi là B.1.617.2, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10-2020 tại Ấn Độ. Cụ thể, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), số ca nhiễm mới được ghi nhận vào ngày 12-7 là 23.600 ca, tăng so với 11.300 ca hôm 23-6. Điều đáng nói là tất cả các bang ở Mỹ, trừ bang Maine và bang South Dakota, đã báo cáo số ca nhiễm mới tăng lên trong 2 tuần qua.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho hay, số ca nhiễm biến thể Delta chiếm 57,6% số ca nhiễm mới từ ngày 20-6 đến 3-7. Hồi cuối tháng 5, biến thể Delta chỉ chiếm 3% số ca nhiễm mới ở Mỹ.
Các nguyên nhân khác, theo AP, là tốc độ tiêm chủng chậm lại và lễ quốc khánh của Mỹ (4-7). Hiện 55,6% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin ngừa Covid-19 và 48% được tiêm đầy đủ. CDC Mỹ cho hay, 5 bang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao nhất trong 2 tuần qua đều là những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Cụ thể, bang Missouri chỉ có 45,9% người dân được tiêm ít nhất một liều; bang Arkansas 43%; bang Nevada 50,9%; bang Louisiana 39,2% và bang Utah 49,5%.
Chính phủ của Tổng thống Joe Biden đang tìm cách tăng tốc chương trình tiêm chủng. Ông chủ Nhà Trắng từng cảnh báo rằng, không nên quá tự tin trong cuộc chiến chống Covid-19 do biến thể Delta là một trong những nguyên nhân làm tăng số ca nhiễm ở những khu vực ít được tiêm chủng hơn.
Châu Âu phòng dịch nghiêm ngặt
Với hơn 49,1 triệu ca nhiễm và 1,1 triệu ca tử vong, châu Âu đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Delta, đe dọa thành quả chống dịch của “lục địa già”. Hãng tin Reuters cho hay, ngày 13-7, Tây Ban Nha ghi nhận hơn 43.900 ca nhiễm mới; tỷ lệ ca nhiễm là 437 ca/100.000 người, tăng so với mức 368 ca/100.000 người ngày 12-7. Theo đó, quốc gia châu Âu này có tổng cộng hơn 4 triệu ca nhiễm, cao thứ 11 thế giới.
Tại Pháp, hơn 40% số ca nhiễm mới do biến thể Delta. Các nhà chức trách cảnh báo, cứ sau 5 ngày, số ca nhiễm mới sẽ tăng gấp đôi. Tuần qua, Pháp có thêm 4.000 ca nhiễm, tăng 64% so với tuần trước đó. Tuần này, số ca nhiễm mới được dự báo sẽ tăng lên 6.000 ca, hai tuần tới là 10.000 ca và đầu tháng 8 có thể ghi nhận thêm 20.000 ca nhiễm. Chính phủ Pháp quyết định vừa siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, hoàn thành tiêm chủng cho 90% dân số trước tháng 9 để tạo miễn dịch cộng đồng. Đến nay, gần 60% dân số Pháp đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin ngừa Covid-19, số người đã tiêm đủ hai mũi đạt trên 40%.
Tại Nga, với số ca nhiễm mới lên đến hơn 24.700 trường hợp do sự lây lan của biến thể Delta và 780 trường hợp tử vong, chính phủ tiếp tục khuyến khích người dân tiêm vắc-xin.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson xác nhận sẽ dỡ bỏ tất cả biện pháp hạn chế phòng dịch từ ngày 19-7 theo đúng kế hoạch, nhưng vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở nơi đông người và trên các phương tiện giao thông công cộng. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Johnson cho biết, chính phủ muốn nhấn mạnh thông điệp “Thận trọng và kiềm chế” khi các nhà khoa học cảnh báo số ca nhiễm mới ở Anh có thể tăng lên 100.000 ca/ngày trong thời gian tới. Chính phủ Anh đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng để đạt mục tiêu tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin cho tất cả những người trưởng thành trước ngày 19-7. Hiện nay, 87% dân số trưởng thành ở Anh đã được tiêm liều vắc-xin đầu tiên và 66% đã tiêm đủ hai liều.
Indonesia trở thành tâm dịch ở châu Á Ngày 13-7, Indonesia ghi nhận thêm gần 47.900 ca nhiễm mới, mức cao kỷ lục, tăng nhiều so với con số 40.400 ca một ngày trước đó. Ở Ấn Độ, số ca nhiễm mới được ghi nhận là 32.900 ca, giảm từ 37.100 ca của ngày hôm trước. Như vậy, Indonesia đã vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới trong ngày. Hiện Indonesia đứng thứ 15 về tổng số ca nhiễm (hơn 2,6 triệu ca) và đứng thứ 16 về số ca tử vong (68.200 ca). |
PHÚC NGUYÊN