Cấp bách đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin trên toàn cầu

.

Biến thể Delta đã được ghi nhận tại 124 quốc gia/vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ xuất hiện các biến thể mới còn nguy hiểm hơn cả Delta.

Các bác sĩ và điều dưỡng điều trị một bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện King Chulalongkorn Memorial ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. 										       Ảnh: Reuters
Các bác sĩ và điều dưỡng điều trị một bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện King Chulalongkorn Memorial ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Theo AP, tại phiên họp của Ủy ban Olympic Quốc tế ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ngày 21-7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus dự đoán sẽ có thêm 100.000 người tử vong do Covid-19 trước khi Thế vận hội Tokyo 2020 kết thúc vào ngày 8-8. Tính đến ngày 21-7, thế giới có tổng cộng hơn 192,3 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 4,1 triệu ca tử vong.

“Đại dịch sẽ kết thúc khi thế giới chọn kết thúc nó”

Bản tin dịch tễ học của WHO được công bố vào ngày 21-7 cho hay, từ ngày 13-7 đến 20-7, biến thể Delta (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ) đã được ghi nhận thêm tại 13 quốc gia, nâng tổng số quốc gia/vùng lãnh thổ có biến thể này lên 124. WHO từng nhận định, biến thể Delta sẽ nhanh chóng vượt qua các biến thể khác để trở thành “chủng thống trị toàn cầu trong những tháng tới”. Tại phiên họp của Ủy ban Olympic Quốc tế, theo Reuters, người đứng đầu WHO cảnh báo nguy cơ xuất hiện các biến thể mới còn nguy hiểm hơn cả biến thể Delta. “Càng lây nhiễm nhiều thì càng có nhiều biến thể mới xuất hiện với khả năng còn nguy hiểm hơn biến thể Delta. Càng nhiều biến thể thì càng có nhiều khả năng một trong số các biến thể này sẽ có thể tránh được vắc-xin hiện nay và khiến chúng ta phải làm lại từ đầu”, ông Tedros nói.

Hãng tin AP dẫn lời Tổng Giám đốc WHO tiếp tục kêu gọi lãnh đạo các nước giàu có chia sẻ vắc-xin ngừa Covid-19 công bằng hơn cho thế giới. Ông Tedros đề cập sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc-xin là nguyên nhân dẫn đến một làn sóng dịch mới mà thế giới sắp phải đối mặt, cụ thể hiện chỉ 1% dân số ở các nước có thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin, so với hơn một nửa dân số ở các nước phát triển. Ông Tedros trước đó cũng nói rằng, thế giới cần 11 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 vào năm 2022. WHO cảnh báo, để đạt mục tiêu này, từ nay đến giữa năm tới, mỗi nước cần tiêm cho 70% dân số. “Đại dịch sẽ kết thúc khi thế giới chọn kết thúc nó”, ông Tedros nhấn mạnh.

Mỹ kêu gọi “phủ sóng” vắc-xin

Tại Mỹ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), TS. Rochelle Walensky cho biết, số ca nhiễm biến thể Delta đã gia tăng đáng kể và chiếm tới 83% các mẫu được giải trình tự gen tại cường quốc này. Theo AP, hiện gần 50% dân số Mỹ đã được tiêm 2 liều vắc-xin ngừa Covid-19 nhưng tỷ lệ tiêm chủng mới đang giảm. Bà Walensky kêu gọi tiếp tục “phủ sóng” vắc-xin bằng cách “xây dựng niềm tin vào các loại vắc-xin ngừa Covid-19”.

Trong khi đó, phiên điều trần của Ủy ban Y tế Thượng viện Mỹ hôm 20-7 (giờ địa phương) trở thành màn “khẩu chiến” gay gắt giữa thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul và TS. Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia về nguồn gốc Covid-19. Ông Paul cáo buộc TS. Fauci nói dối Quốc hội hồi tháng 5 vừa qua khi phủ nhận việc Viện Y tế Quốc gia (NIH) tài trợ một nghiên cứu về virus trong một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). 

Cuối tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo giới chức tình báo nỗ lực điều tra nguồn gốc Covid-19 và báo cáo lại với ông trong vòng 90 ngày. Động thái này được đưa ra sau khi truyền thông Mỹ tiết lộ tin tình báo cho thấy một số nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán từng bị ốm với “triệu chứng giống Covid-19” và nhập viện hồi tháng 11-2019, thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Giới tình báo Mỹ hiện vẫn chia 2 quan điểm về việc liệu SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán hay lây nhiễm từ các loài động vật trong tự nhiên sang con người.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.