Ngày 12-7, tại Brussels (Bỉ), ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu kết nối châu Âu với thế giới. Kế hoạch này được xây dựng trên nền tảng Tuyên bố chung về kết nối châu Âu - châu Á năm 2018. Nguyên tắc cơ bản của chiến lược là kết nối phải bền vững, toàn diện và dựa trên luật lệ. Kết nối tốt hơn cũng sẽ góp phần đa dạng hóa chuỗi giá trị, khẳng định tầm quan trọng của châu Âu về địa chính trị và kinh tế cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh của EU với các đối tác.
Hội đồng châu Âu cho rằng, trong một thế giới ngày càng kết nối, EU cần thúc đẩy các lợi ích, giá trị và vị thế của mình; đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực kỹ thuật số, an ninh, chuyển đổi xanh, giao thông, năng lượng... Đây là bước đi mới nhất sau các thỏa thuận mà EU đã đạt được với Ấn Độ và Nhật Bản, cũng như các cam kết tương tự của nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Chiến lược nói trên của EU mang tên “Một châu Âu kết nối toàn cầu” được kỳ vọng không chỉ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và đối ngoại, mà còn góp phần bảo đảm lợi ích an ninh cùng các giá trị của “lục địa già” trong một thế giới ngày càng có nhiều thách thức và biến động phức tạp. Dự kiến EU sẽ đưa ra một lộ trình chính thức cho kế hoạch này bắt đầu từ mùa xuân năm 2022.
Các nhà quan sát nhận định, kế hoạch “Một châu Âu kết nối toàn cầu” có thể là câu trả lời của EU cho các chiến lược đầy tham vọng của các đối tác khác. Mặc dù kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu của EU không hề nhắc đến Trung Quốc, nhưng đây là chiến lược mới có thể cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của “người khổng lồ” châu Á.
Ở phương diện khác, tầm quan trọng của một chiến lược kết nối hiệu quả của EU càng được nhấn mạnh hơn nữa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, làm bộc lộ cả những điểm mạnh lẫn điểm yếu của mạng lưới kết nối châu Âu với toàn cầu.
Trong một diễn biến liên quan, EU đã ký các thỏa thuận hợp tác với Nhật Bản và Ấn Độ nhằm phối hợp các dự án giao thông, năng lượng, số hóa kết nối châu Âu và châu Á. Tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí khởi động kế hoạch “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W), đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng to lớn ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Gần đây, EU cũng thông qua chương trình khung mới về nghiên cứu và sáng chế có tên gọi “Chân trời châu Âu”, với kế hoạch tài trợ cho chương trình hành động chiến lược sơ khởi “Nâng cấp kiến thức độc lập về Trung Quốc đương đại ở châu Âu”. Mục tiêu là hỗ trợ các nhà nghiên cứu khoa học xã hội giải mã Trung Quốc, cho phép các bên trao đổi và hợp tác một cách an toàn trong các vấn đề thương mại...
Nhà nghiên cứu Stéphane Aymard (Đại học La Rochelle, Pháp) trong bài viết “Mối quan hệ kinh tế mới giữa EU và Trung Quốc” đăng ngày 4-7 trên trang mạng The Conversation nhận định: Trung Quốc đã thay đổi và không còn là “quốc gia đang phát triển” như đôi khi được mô tả trong quá khứ. Ngoài tầm quan trọng trong giao thương với châu Âu, Bắc Kinh còn là một tác nhân mà các mối quan hệ đã được tăng cường trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển hoặc công nghệ. Đối với EU, Trung Quốc vừa là đối tác kinh tế, vừa là nước cạnh tranh, vừa là đối thủ hoặc giải pháp thay thế về hệ thống và phương cách quản lý.
TUYẾT MINH