Ngày 10-7, các bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ủng hộ thỏa thuận đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất 15% nhằm ngăn cản các công ty đa quốc gia tìm cách chuyển lợi nhuận đến nơi đánh thuế thấp.
Hãng tin AFP dẫn tuyên bố chung của các bộ trưởng G20 tại hội nghị trực tuyến nhấn mạnh việc đạt được “thỏa thuận lịch sử về một cấu trúc thuế quốc tế ổn định hơn và công bằng hơn”, khép lại 8 năm tranh cãi về vấn đề thuế. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng, thế giới sẵn sàng kết thúc cuộc đua tới đáy (về thuế doanh nghiệp) và bây giờ nên nhanh chóng hoàn tất thỏa thuận. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, đây là cơ hội cả thế kỷ mới có một lần cho “cuộc cách mạng thuế”.
Việc cải cách thuế nhằm ngăn chặn tình trạng các nước đua nhau hạ thuế doanh nghiệp, bảo đảm việc các công ty đa quốc gia phải nộp thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% ở những nước có hoạt động kinh doanh (bất kể có đặt trụ sở trên thực tế hay không). Thỏa thuận cuối cùng sẽ được các nhà lãnh đạo G20 phê chuẩn tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm tại Rome (Ý) vào tháng 10 tới.
Tuy nhiên, theo AFP, một số nước vẫn phản đối mức thuế nói trên, trong đó có Ireland - quốc gia được các hãng công nghệ như Apple và Google chọn đặt trụ sở châu Âu. Hungary và Estonia cũng không đồng ý. Nếu không có sự thống nhất của 3 quốc gia này, Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể thực thi thỏa thuận.
PHÚC NGUYÊN