Không cần tiêm vắc-xin Covid-19 liều tăng cường

.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, việc các nước giàu thúc đẩy liều vắc-xin Covid-19 tăng cường sẽ khiến các nước nghèo chờ đợi vắc-xin lâu hơn.

Người dân chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại thành phố Toronto (Canada).  Ảnh: Getty Images
Người dân chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại thành phố Toronto (Canada). Ảnh: Getty Images

Trang Axios, một web tin tức của Mỹ, ngày 20-7 cho biết biến thể Delta lây lan khắp các nước giàu một lần nữa đặt ra vấn đề có cần thiết tiêm vắc-xin Covid-19 liều tăng cường (tiêm nhắc lại) hay không. Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức cho phép tiêm tăng cường mũi thứ 3 vắc-xin Pfizer/BioNtech cho những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch, như bệnh nhân ung thư hoặc bệnh nhân ghép tạng.

Với hơn 85% dân số trưởng thành được tiêm chủng 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19, Israel đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế xã hội. Thế nhưng, số ca mắc mới gia tăng trong những ngày gần đây, đồng thời có nhiều bằng chứng cho thấy một số bệnh nhân không phát triển phản ứng miễn dịch đầy đủ sau 2 liều vắc-xin. Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia y tế Israel nhận định: Hai liều vắc-xin ngừa Covid-19 không thể tạo ra đầy đủ kháng thể cho những người có hệ miễn dịch yếu.

Cũng theo Axios, các nước giàu có như Mỹ, Vương quốc Anh và Hàn Quốc có kế hoạch hoặc đã đặt mua vắc-xin để tiêm nhắc lại. Các nước có ý định tặng lượng vắc-xin dư thừa, nay cũng muốn giữ lại số vắc-xin này. Thái Lan sẽ tiêm mũi tăng cường bằng vắc-xin của AstraZeneca cho những ai đã được tiêm vắc-xin Sinovac của Trung Quốc. Indonesia cũng bắt đầu tiêm nhắc lại nhưng chỉ áp dụng cho các nhân viên y tế. Cơ quan quản lý y tế Brazil (Anvisa) vừa cấp phép thử nghiệm tiêm chủng mũi vắc-xin thứ ba của AstraZeneca, áp dụng với 10.000 tình nguyện viên sau thời gian tiêm mũi thứ hai từ 11-13 tháng.

Tuy nhiên, theo WHO và các nhà khoa học, còn quá sớm để xác định có cần thiết tiêm liều tăng cường hay không. Hơn nữa, điều gây tranh cãi là trong lúc các nước giàu tiến hành tiêm liều vắc-xin thứ ba chỉ số ít người dân ở các nước đang phát triển được tiêm 1 liều, chẳng hạn chỉ 3% số người dân trên khắp châu Phi mới được tiêm 1 mũi. 

Pfizer và Moderna đang hướng tới việc cung cấp các mũi tiêm nhắc lại ở những quốc gia đã có mức độ tiêm chủng cao. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cáo buộc 2 công ty này đã đưa ra những đề nghị “không nhằm bảo vệ những người cần được bảo vệ nhất”. Ông Tedros kêu gọi các công ty dược phẩm và các quốc gia chia sẻ vắc-xin cho COVAX, chương trình do WHO và các đối tác khởi xướng nhằm bảo đảm việc tiếp cận vắc-xin công bằng trên toàn cầu, thay vì giữ lượng vắc-xin lại để tiêm liều tăng cường. Nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan cũng cho rằng, việc tiêm mũi thứ ba cho những người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin phải được thực hiện dựa trên cơ sở khoa học và các dữ liệu, chứ không dựa trên tuyên bố của các hãng dược phẩm rằng vắc-xin của họ cần được sử dụng như một liều tăng cường.

Trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 19-7, theo Reuters, TS. Mike Ryan - Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO nhấn mạnh, thế giới có thể kiểm soát đại dịch Covid-19 vào năm tới “nếu chúng ta thực sự may mắn”. Ông Ryan cho rằng, Covid-19 có thể kết thúc sớm hơn nếu các quốc gia bảo đảm việc phân phối công bằng vắc-xin cho các nước nghèo hơn, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và hỗ trợ đầy đủ trang thiết bị cho các bệnh viện.

Theo trang thống kê wordometers, tính đến ngày 20-7, thế giới có tổng cộng hơn 191,8 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 4,1 triệu ca tử vong. Châu Âu trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới cán mốc 50 triệu ca nhiễm, số ca tử vong là 1,3 triệu người. Số ca nhiễm của “lục địa già” chiếm 27% tổng số ca nhiễm của toàn cầu và chiếm 31% số ca tử vong.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.