Ngay sau chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Washington và Berlin chính thức công bố đạt được thỏa thuận cho phép triển khai dự án vận chuyển khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) vốn bị đình trệ thời gian qua.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ vận chuyển gas trực tiếp từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Ảnh: DPA |
Hãng tin AP cho biết, theo thỏa thuận, chính phủ Mỹ sẽ không tiếp tục phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2, chấm dứt nhiều năm tranh cãi về số phận của dự án. Trong khi đó, Đức sẽ đồng ý hỗ trợ Ukraine trong ngoại giao năng lượng và các dự án trong lĩnh vực này.
Cam kết của Đức với Ukraine
Tuyên bố về thỏa thuận được đưa ra sau cuộc gặp song phương hồi tuần trước tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Theo đó, thỏa thuận sẽ cho phép Nga tăng gấp đôi số lượng khí tự nhiên xuất khẩu trực tiếp sang Đức thông qua đường ống ngầm dưới biển Baltic thay thế đường ống chạy qua Ukraine. Kết quả này được nhận định sẽ giúp giảm căng thẳng ngoại giao giữa hai nước về nguồn cung năng lượng cho châu Âu. Khi hoàn tất, hệ thống đường ống xuyên biển sẽ dài 764 dặm (1.230km), cũng là đường ống khí đốt ngoài khơi dài nhất thế giới.
Tuy nhiên, chính phủ Ukraine và nhiều nghị sĩ Mỹ tỏ ra nghi ngại. Họ cho rằng, cam kết của phía Đức vẫn chưa đủ bảo đảm việc các đồng minh của Mỹ không phải đối mặt với những đe dọa về an ninh năng lượng đến từ Nga.
Việc xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 từ lâu là khúc mắc lớn nhất giữa Washington và Berlin. Theo CNBC, trong thỏa thuận của Mỹ và Đức công bố ngày 21-7, Berlin cam kết sẽ áp trừng phạt với Nga nếu các chính sách năng lượng của Moscow đe dọa những đồng minh của Washington trong khu vực. Một quan chức Mỹ nói với báo Financial Times rằng, trong các biện pháp trừng phạt đó có cả những biện pháp hạn chế năng lực xuất khẩu năng lượng của Nga tới châu Âu. Ngoài ra, Berlin sẽ lập quỹ 1 tỷ USD để giúp Ukraine chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, khởi đầu với khoảng 175 triệu USD. Mỹ sẽ hỗ trợ thúc đẩy và hỗ trợ các khoản đầu tư khác tại Ukraine.
Một quan chức Mỹ còn tiết lộ, Berlin sẽ hỗ trợ thêm 70 triệu USD để cải thiện an ninh cho hạ tầng năng lượng của Ukraine, trong đó có việc nâng cao năng lực an ninh mạng của nước này. Bên cạnh đó, Đức sẽ bổ nhiệm một đặc phái viên tới thủ đô Kiev của Ukraine đàm phán để gia hạn các thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Nga kéo dài qua năm 2024, giúp Ukraine duy trì “càng lâu càng tốt” việc thu phí vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ của họ.
Ukraine sẽ tiếp tục tham vấn
Theo CNBC, giới chức Mỹ thời ông Barack Obama và ông Donald Trump làm Tổng thống đã phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Sau khi đắc cử, tháng 5-2021, Tổng thống Joe Biden gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty AG thực hiện dự án và ban lãnh đạo công ty này. Đây là sự thay đổi trong chính sách của Mỹ nhằm củng cố quan hệ với các đồng minh châu Âu, nhất là với Đức.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay, Washington dừng các lệnh trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vì những lệnh này khó có thể ngăn cản việc hoàn thành dự án. Khi chính phủ của Tổng thống Biden nhậm chức vào ngày 20-1-2021, đường ống dẫn khí đốt này đã được hoàn thành hơn 90%.
Trong khi đó, giới chức Ukraine lập tức có phản ứng gay gắt sau khi Mỹ và Đức phát tuyên bố chung về việc đạt được thỏa thuận. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter rằng, nước này sẽ bắt đầu các tham vấn với Liên minh châu Âu (EU) và Đức về tính hợp pháp của đường ống Dòng chảy phương Bắc 2. Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng cho hay, trong chuyến thăm Nhà Trắng ngày 30-8 tới, Tổng thống Volodymyr Zelensky “sẽ tiếp tục bàn về các vấn đề liên quan dự án Dòng chảy phương Bắc 2, coi đó là sự đe dọa an ninh với Ukraine và khu vực”.
Hãng tin Itar-Tass dẫn thông báo của Điện Kremlin cho biết, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 21-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi “sự tận tâm kiên định” của Berlin với Dòng chảy phương Bắc 2, dự án mà ông cho rằng sẽ giúp “bảo đảm an ninh năng lượng của Đức và Liên minh châu Âu”. Hai nhà lãnh đạo Nga, Đức cũng thảo luận về việc gia hạn cam kết của tập đoàn Gazprom của Nga trong việc vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine sau khi thỏa thuận hiện tại hết hạn vào năm 2024. |
TRẦN ĐẮC LUÂN