Thế giới tuần qua: Khai mạc Olympic Tokyo 2020; Đông Nam Á chạy đua với biến thể Delta

.

Khai mạc kỳ Thế vận hội mùa hè đặc biệt nhất trong lịch sử cùng với việc biến thể Delta châm ngòi cho cao điểm về lây nhiễm Covid-19 tại Đông Nam Á là hai sự kiện nổi bật trong tuần.

 Chú thích ảnh Pháo hoa thắp sáng bầu trời tại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/7/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Pháo hoa thắp sáng bầu trời tại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 23-7-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Khai mạc Olympic Tokyo 2020, kỳ Thế vận hội đặc biệt

Sau một năm trì hoãn, Olymic Tokyo 2020 đã chính thức khai mạc vào tối ngày 23-7 trên Sân vận động Olympic ở thủ đô Tokyo.

Kịch bản của lễ khai mạc không có nhiều thay đổi so với các kỳ Thế vận hội trước đó. Mở đầu là nghi lễ thượng cờ nước chủ nhà, kế đến là màn trình diễn nghệ thuật giản dị, đặc sắc mang đặc trưng văn hóa của Nhật Bản, phần diễu hành của các vận động viên (VĐV) từ 206 đoàn thể thao trên toàn thế giới đến dự Olympic. Buổi lễ được kết thúc bằng các nghi thức thường lệ khác như tuyên thệ của trọng tài, VĐV, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach phát biểu, Nhật hoàng Naruhito tuyên bố khai mạc, lễ thượng cờ Olympic, lễ châm ngọn đuốc Olympic.

Tuy nhiên, không khó để nhận ra một sự khác biệt lớn tại kỳ Thế vận hội này, khi lễ khai mạc gần như vắng bóng cổ động viên ngồi xem trực tiếp. Trên khán đài SVĐ Olympic sức chứa 68.000 chỗ ngồi chỉ có khoảng 1.000 người, chủ yếu là khách mời, có mặt theo dõi sự kiện trực tiếp. Đó là bởi Olympic Tokyo được tổ chức trong điều kiện dịch Covid-19 gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với toàn thể thế giới, đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới về cách ly, giãn cách để phòng chống dịch bệnh mà ở đó Thế vận hội cũng không phải là ngoại lệ.

Lo ngại lây lan dịch bệnh, Nhật Bản đã không cho phép khán giả nước ngoài tới thủ đô Tokyo cổ vũ cho các vận động viên, dù biết rằng biện pháp này có thể sẽ làm giảm nguồn thu tài chính. Nhà tổ chức cũng cấm khán giả vào các địa điểm thi đấu ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận. Chỉ có khoảng 26 trong tổng số 750 nội dung, hạng mục thi đấu ở Olympic Tokyo được phép đón khán giả ở mức hạn chế.

“Bóng đen Covid-19” cũng xâm lấn sang các VĐV. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho các VĐV, Trung tâm y tế tại làng Olympic còn kiêm nhiệm cả nhiệm cả nhiệm vụ xét nghiệm Covid-19 theo phương pháp PCR. Các nhà tổ chức sẽ tiến hành xét nghiệm hằng ngày đối với các VĐV. Khi có VĐV hoặc quan chức thể thao dương tính với virus SARS-CoV-2, tùy vào mức độ nghiêm trọng, họ sẽ được nhập viện hoặc chuyển tới một khách sạn bên ngoài làng vận động viên để cách ly.

Chủ tịch IOC Thomas Bach từng nói rằng Olympic Tokyo sẽ là “sự kiện thể thao được kiểm soát gắt gao nhất trên thế giới từ trước tới nay” và điều này là không thừa. Bởi tính từ ngày 1-7-24-7, Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo ghi nhận tổng số 123 ca mắc Covid-19 có liên quan đến kỳ đại hội thể thao này, riêng ngày 24-7 có đến 17 ca.

Đại dịch có thể “phủ bóng” quãng thời gian tranh tài kéo dài trong hai tuần của các VĐV, nhưng điều đó không ngăn được việc nước chủ nhà và các nhà tổ chức chuyển đi thông điệp thế giới vượt lên khó khăn và chiến thắng đại dịch. Ngoài “Nhanh hơn” (Faster), “Cao hơn” (Higher) và “Mạnh mẽ hơn” (Stronger), khẩu hiệu của Olympic Tokyo 2020 được bổ sung thành tố “Cùng nhau” (Together) để thể hiện sự đoàn kết của thế giới trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Ở thời điểm nhân loại vẫn chưa thoát khỏi những lo âu về dịch bệnh, thông điệp về sự kiên cường, đoàn kết, thống nhất của cả thế giới để bước qua đại dịch được lan tỏa từ kỳ Thế vận hội này càng có nhiều ý nghĩa. Dưới khía cạnh này, có thể coi Olympic Tokyo 2020 là “sự kiện của hy vọng” - như cách mà Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nói.

Đông Nam căng mình đối phó với biến thể Delta

Các nhân viên tại bệnh viện chuyển thi thể một bệnh nhân Covid-19 tới nhà xác ở Bệnh viaện Thammasat ở tỉnh Pathum Thani, phía bắc Bangkok. Ảnh: AFP
Các nhân viên tại bệnh viện chuyển thi thể một bệnh nhân Covid-19 tới nhà xác ở Bệnh viện Thammasat ở tỉnh Pathum Thani, phía bắc Bangkok. Ảnh: AFP

Sự xuất hiện và lây lan mạnh của biến thể Delta đẩy thế giới đứng trước nguy cơ một làn sóng lây nhiễm mới, mà Đông Nam Á đang nổi lên là điểm nóng nhất. 5 trên tổng số 10 nước trong khu vực vừa trải qua một tuần có số ca mắc mới tăng nhanh nhất. Indonesia, Thái Lan và Malaysia liên tục ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm mới-ngày và xuất hiện trong nhóm nước có nhiều người nhiễm nhất trên bảng thống kê toàn cầu.

Indonesia đã vượt qua Ấn Độ và Brazil về số ca lây nhiễm mới trong ngày, trở thành tâm dịch của thế giới. Trong ngày 22-7, Indonesia ghi nhận 49.500 ca nhiễm và số ca tử vong kỉ lục là 1.449 ca. Tính đến nay, “đất nước vạn đảo” này ghi nhận tổng cộng hơn 3 triệu ca mắc và trên 79.000 người tử vong do Covid-19. Tình hình trên thực tế có thể còn nghiêm trọng hơn so với các con số được công bố chính thức, khi số mẫu xét nghiệm ở Indonesia trên tổng số dân còn thấp, trong khi tỉ lệ dương tính trong xét nghiệm luôn ở mức hai con số.

Các chuyên gia dịch tễ trên toàn thế giới cảnh báo tốc độ và quy mô bùng phát dịch bệnh tại Indonesia đã tạo ra môi trường sinh sôi, nảy nở “hoàn hảo” cho một siêu biến thể tiềm tàng mới có khả năng lây nhiễm và chết chóc thậm chí còn vượt cả biến thể Delta. Bởi các biến thể mới luôn xuất hiện tại các khu vực, quốc gia mà dịch bệnh lây lan có nguy cơ vượt tầm kiểm soát, đúng với trường hợp ở Indonesia.

Malaysia trong ngày 24-7 ghi nhận số ca dương tính kỉ lục, với 15.902 trường hợp dương tính mới, phá vỡ kỉ lục của một ngày trước đó là 15.573 ca. Tổng số ca bệnh ở Malaysia đến thời điểm hiện tại là hơn 980.400 ca, với hơn 7.700 ca tử vong. Với đà này, Malaysia sẽ vượt mốc một triệu ca mắc Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm ngoái chỉ sau 1-2 ngày tới.

Malaysia đã áp dụng lệnh phong toả toàn quốc từ ngày 1-6 để kiểm soát mức độ lây lan của dịch bệnh. Phần lớn các doanh nghiệp ở Malaysia đều đã phải đóng cửa trong hai tháng. Tuy nhiên, phong toả chỉ giúp làm giảm nhẹ số ca mắc mới trong vài ngày rồi tiếp tục gia tăng “chóng mặt”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do biến thể Delta lây lan quá nhanh.

Bộ Y tế công cộng Thái Lan ngày 24-7 thông báo nước này vừa ghi nhận thêm 14.260 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 481.967 ca. Cùng với đó, số ca tử vong do Covid-19 ở Thái Lan tăng thêm 119 ca, lên tổng cộng 3.930 ca. Trước đó một ngày, Thái Lan ghi nhận con số kỉ lục 14.575 ca nhiễm tăng thêm trong 24, phá vỡ kỷ lục 13.655 ca nhiễm chỉ mới công bố vào ngày trước đó.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bày tỏ lo ngại về các trường hợp mắc Covid-19 tử vong sau khi không được điều trị kịp thời.Ông đã chỉ đạo tất cả cơ quan liên quan phải tham gia giải quyết vấn đề. Nội các Thái Lan cũng đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng, cho tới cuối tháng 9-2021, nhằm ứng phó với tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nước này.

Theo Báo Tin Tức

;
;
.
.
.
.
.