Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, nếu tình hình không được cải thiện, thế giới sẽ ghi nhận thêm 100 triệu ca mắc mới Covid-19 từ nay đến đầu năm 2022, nâng tổng số ca mắc lên hơn 300 triệu.
Các chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo nước này chỉ có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm nếu đa số người dân được tiêm vắc-xin. TRONG ẢNH: Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP/Getty Images |
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 11-8 (giờ Geneva, Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định: “Với xu hướng hiện tại, chúng ta có thể vượt qua mốc 300 triệu ca mắc Covid-19 vào đầu năm tới”, theo báo The Hill (Mỹ). Nhà lãnh đạo WHO nói thêm: “Chúng ta có thể thay đổi điều đó. Tất cả chúng ta đều cùng phải đối mặt với vấn đề này, nhưng thế giới lại không đồng lòng như vậy”.
Tính đến ngày 12-8, thế giới có tổng cộng hơn 205,6 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 4,3 triệu ca tử vong, theo trang thống kê worldometers. Ông Tedros phân tích, hồi cuối tháng 1, thế giới đã vượt qua mốc 100 triệu ca; đến đầu tháng 8, số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 200 triệu. Như vậy, trong vòng 6 tháng đã ghi nhận thêm hơn 100 triệu ca nhiễm. Vì vậy, đến đầu năm 2022, việc có thêm 100 triệu ca nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra. “Chúng tôi biết số ca thực sự cao hơn nhiều”, ông Tedros nói.
Tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO còn cho biết, việc tìm kiếm các phương pháp điều trị hiệu quả và dễ tiếp cận cho bệnh nhân Covid-19 là điều quan trọng. WHO vừa công bố thử nghiệm 3 loại thuốc Artesunate, Imatinib và Infliximab để tìm hiểu chúng có cải thiện tình trạng của bệnh nhân mắc Covid-19 nhập viện hay không. Trước đó, WHO đã thử nghiệm 4 loại thuốc Remdesivir, Hydroxychloroquine, Lopinavir và Interferon với sự tham gia của gần 13.000 bệnh nhân tại 500 bệnh viện ở 30 quốc gia.
Trước sự lây lan nhanh chóng và mức độ nguy hiểm của biến thể Delta, hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức của WHO cho hay, biến thể này có thể làm thay đổi dự đoán về khả năng miễn dịch cộng đồng và mục tiêu tiêm chủng trên thế giới. “Vấn đề ở đây là khi các biến thể xuất hiện và dễ lây lan hơn đồng nghĩa với việc cần tiêm chủng cho nhiều người hơn để đạt được miễn dịch cộng đồng”, Katherine O’Brien, Giám đốc tiêm chủng của WHO lý giải.
Biến thể Delta hiện có mặt ở 142 quốc gia/vùng lãnh thổ. Tại Mỹ, số ca mắc Covid-19 do biến thể Delta trung bình là 100.000 ca trong 3 ngày liên tiếp (tính đến ngày 10-8). Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể Delta hiện chiếm khoảng 93,4% tổng số ca mắc mới Covid-19 ở nước này trong hai tuần cuối tháng 7 vừa qua. TS. Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ, cảnh báo các ca nhiễm có thể sẽ tăng gấp đôi, lên 200.000 ca/ngày vào mùa thu tới và Mỹ chỉ có thể cắt đứt chuỗi lây lan nếu đa số người dân được tiêm vắc-xin. Hơn 175 chuyên gia y tế công cộng, các nhà khoa học hàng đầu và nhà hoạt động xã hội của Mỹ đã kêu gọi chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden có các bước đi khẩn cấp để cùng thế giới đương đầu với đại dịch Covid-19, trong đó có việc lập tức xuất khẩu lượng vắc-xin mà nước này đang lưu trữ.
Không dừng lại ở đó, biến chủng Lambda có nguồn gốc tại Peru, được cho là có khả năng lây nhiễm mạnh và kháng vắc-xin cao, đã vượt khỏi phạm vi các nước Nam Mỹ và lan tới nhiều quốc gia khác. Các biến chủng của SARS-CoV-2 đang đe dọa nỗ lực phòng, chống dịch của toàn cầu.
Theo thống kê của Our World in Data, khoảng 1,23 tỷ người trên thế giới đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 (chiếm khoảng 15,8% dân số toàn cầu).
"Chúng ta có vượt mốc 300 triệu ca nhiễm (Covid-19) và chạm tới mốc đó nhanh tới mức nào, đều phụ thuộc vào hành động của tất cả chúng ta. Với đà hiện tại, mốc 300 triệu ca có thể được báo cáo vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay đổi điều này nếu hành động cùng nhau” Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus |
PHÚC NGUYÊN