Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục chỉ trích các quốc gia giàu có tiêm mũi vắc-xin ngừa Covid-19 tăng cường, làm nguồn cung vắc-xin suy giảm, trong lúc nhiều nước nghèo gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương nhất.
Tiêm vắc-xin Johnson & Johnson ngừa Covid-19 ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP/ Getty Images |
Hãng tin CNBC cho biết, ngày 10-8, WHO kêu gọi các nước đóng góp 7,7 tỷ USD để hỗ trợ y tế giúp những quốc gia nghèo đối phó với biến thể Delta của SARS-CoV-2. TS. Bruce Aylward, Cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc WHO, lý giải số tiền này cần thiết để trang trải khoản thiếu hụt 16,8 tỷ USD đang cản trở khả năng chống dịch của WHO ở các nước đang phát triển. TS. Mariangela Simao, Trợ lý của Tổng Giám đốc WHO, nói rằng cần giúp các quốc gia tiến bước cùng nhau, nếu không thì chúng ta sẽ phải sống chung với loại virus này lâu hơn.
Trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhiều lần cho rằng, việc thế giới sử dụng vắc-xin chưa hợp lý, thiếu công bằng làm đại dịch kéo dài. WHO đặt mục tiêu ít nhất 10% dân số được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trước thời điểm cuối tháng 9 tới, sau đó nâng tỷ lệ này lên lần lượt là 40% vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022. Song, để đạt được cột mốc này cũng như giải quyết tình trạng phân phối vắc-xin bất bình đẳng, WHO mong muốn các nước tạm hoãn tiêm mũi vắc-xin tăng cường (mũi thứ ba).
Theo AP, giới khoa học cũng lo ngại việc tiêm mũi thứ ba sẽ làm tình trạng bất bình đẳng về vắc-xin ngừa Covid-19 thêm trầm trọng. Hiện gần 4,5 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được sử dụng trên thế giới. Tại các nước có thu nhập cao, 104 liều được tiêm cho 100 người. Nhưng ở 29 nước có thu nhập thấp nhất, chỉ có 2 liều được tiêm cho 100 người.
Những lo ngại nói trên cũng như những lời kêu gọi, lý giải của WHO không thuyết phục được Israel, Anh, Pháp, Đức, Mỹ, hay Cộng hòa Dominica - các nước đang thúc đẩy hoặc đang xem xét việc tiêm mũi thứ ba, nguyên nhân được cho là do lo ngại biến thể Delta.
Tại Anh, 3/4 dân số trưởng thành đã được tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Hãng tin Reuters ngày 10-8 dẫn lời ông Andrew Pollard, người đứng đầu nhóm vắc-xin Oxford, cho rằng tiêm liều vắc-xin tăng cường là chưa cần thiết và chính phủ Anh nên tặng những liều này cho các nước khác. Tuy nhiên, quan điểm của ông Pollard trái ngược với Bộ Y tế Anh. Chương trình tiêm vắc-xin tăng cường ở xứ sở sương mù sẽ được bắt đầu từ ngày 6-9, mỗi tuần thực hiện tiêm mũi vắc-xin thứ ba cho gần 2,5 triệu người từ 50 tuổi trở lên và những người bị suy giảm miễn dịch. Tại Mỹ, TS. Anthony Fauci, nhà dịch tễ học hàng đầu đã khuyến cáo chính phủ xem xét triển khai tiêm mũi vắc-xin tăng cường, có thể từ đầu tháng 9 tới hoặc sớm hơn.
Cũng trong ngày 10-8, WHO thúc giục 20 người có quyền lực trên thế giới đảo ngược tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu trước thời điểm tháng 10 tới. TS. Bruce Aylward cho rằng, nếu người nghèo không được tiêm vắc-xin thì tình hình có thể xấu đi. 20 nhân vật có quyền lực này là những người đứng đầu các công ty lớn liên quan đến vắc-xin ngừa Covid-19, đứng đầu các nước ký hợp đồng mua hầu hết vắc-xin và đứng đầu các nước sản xuất vắc-xin.
Điều đáng nói là trong lúc biến thể Delta vẫn đang hoành hành thì xuất hiện biến thể Lambda của SARS-CoV-2, còn gọi là C.37. Biến thể Lambda được phát hiện lần đầu tiên ở Peru vào tháng 8-2020, hiện đã lây lan sang nhiều quốc gia khác, phần lớn ở Mỹ Latinh.
PHÚC NGUYÊN