Chính phủ Mỹ ngăn kịch bản đóng cửa

.

Mỹ đang chạy đua tìm giải pháp để tránh phải đóng cửa chính phủ một phần, tình huống có thể dẫn tới hàng trăm ngàn nhân viên liên bang phải nghỉ việc ngay trong lúc cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn căng thẳng.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ (ảnh chụp ngày 27-9). Ảnh: Reuters
Tòa nhà Quốc hội Mỹ (ảnh chụp ngày 27-9). Ảnh: Reuters

Các thượng nghị sĩ Cộng hòa ngày 27-9 không phê chuẩn nghị quyết tạm chi thêm ngân sách hoạt động cho chính phủ liên bang Mỹ cũng như nâng mức trần nợ công, buộc các lãnh đạo đảng Dân chủ phải khẩn trương tìm giải pháp nếu không muốn chính phủ đóng cửa trong tuần này.

Như vậy, theo báo USA Today, trừ khi đạt được một thỏa thuận chính trị (mà khả năng này vẫn khá mơ hồ), các khoản ngân sách chi cho hầu hết các cơ quan liên bang sẽ hết hạn vào nửa đêm 30-9. Theo đó, nhiều hoạt động của chính phủ Mỹ sẽ tạm dừng ở lần đóng cửa thứ hai trong vòng 3 năm qua.

Điều gì sẽ xảy ra?

Ngày 30-9 là thời điểm kết thúc năm tài khóa của Mỹ. Nói cách khác, đó là ngày cuối cùng của năm tài chính 2020 mà chính phủ liên bang Mỹ còn tiền chi dùng. Điều này có nghĩa các nghị sĩ cần phải thông qua “nghị quyết tiếp tục” (continuing resolution) để tạm thời cấp ngân sách cho chính phủ. Nếu không thể thông qua, chính phủ có nguy cơ bị đóng cửa.

Trước đó, ngày 21-9, Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết này để tạm cấp ngân sách cho chính phủ thêm 2 tháng nữa. Tuy nhiên, theo Reuters, nghị quyết đó cũng bao hàm thêm nội dung nâng mức trần nợ công và đình chỉ việc áp dụng trần nợ công cho tới tháng 12-2022, tức là tới sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ. “Trần nợ công sẽ được nâng lên, nhưng do những người Dân chủ nâng lên”, ông McConnell phát biểu trong cuộc họp báo ngày 21-9. Đảng Cộng hòa phản đối việc tăng trần nợ công.

Ngay từ thời điểm đó, lãnh đạo phe thiểu số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, nhiều lần cảnh báo sẽ chặn nghị quyết này trong phiên bỏ phiếu. Đến ngày 27-9, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã làm đúng như thế.

Nếu chính phủ phải đóng cửa, nhiều dịch vụ không thiết yếu sẽ tạm ngưng. Hãng tin Reuters dẫn phân tích của cựu nhân viên Quốc hội William Hoagland đang làm việc cho Trung tâm Chính sách lưỡng đảng (Bipartisan Policy Center) cho biết, hệ quả cụ thể của việc này là các bảo tàng và công viên quốc gia sẽ đóng cửa; khoảng 3/5 trong tổng số 2,1 triệu nhân viên đang làm việc trong các cơ quan công quyền của chính phủ liên bang sẽ nghỉ việc. Khoảng 62% nhân viên thuộc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ - cơ quan đang giữ vai trò trung tâm trong cuộc chiến chống Covid-19 của nước Mỹ - sẽ nghỉ việc.

Dĩ nhiên đó là hệ quả về lý thuyết. Còn thực tế, do tình huống nguy cấp của Covid-19, có thể nhiều nhân viên CDC Mỹ sẽ phải tiếp tục làm việc mà chưa nhận lương cho tới khi gói ngân sách mới được phê duyệt.

Dù vậy, giới quan sát Mỹ cảnh báo: “CDC chắc chắn sẽ hoạt động với hiệu suất thấp” nếu chính phủ bị đóng cửa một phần. Tình huống éo le xảy ra trong lúc nhiều nhân viên y tế cộng đồng có tâm lý căng thẳng. Một khảo sát hồi tháng 7 của CDC Mỹ cho thấy, tình trạng trầm cảm, lo lắng và các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần của các nhân viên y tế công đang ở mức cao, đáng lo ngại.

Lối thoát nào khả thi?

Để tránh kịch bản đóng cửa chính phủ, hoặc giả sử nếu có đóng thì chỉ trong thời gian ngắn, Quốc hội Mỹ phải thông qua “nghị quyết tiếp tục”, cho phép cấp thêm tiền để chính phủ hoạt động.

Một giải pháp để chấm dứt thế bế tắc hiện nay là đảng Dân chủ phải bỏ nội dung liên quan tới trần nợ công trong dự luật chi tiêu ngân sách. Nếu họ chấp nhận điều này, khi đó vẫn cần hai viện Quốc hội phê chuẩn nhanh nghị quyết chi tiêu để ngăn chặn kịp thời kịch bản chính phủ đóng cửa.

Tuy nhiên, không rõ khả năng này có lớn không, vì theo bài báo đăng trên Washington Post ngày 20-9, ít nhất 3 quan chức cao cấp trong chính phủ của Tổng thống Joe Biden cho biết, Nhà Trắng đã bác bỏ khả năng chấp nhận nhượng bộ với đảng Cộng hòa trong vấn đề trần nợ công.

Năm 2019, chính phủ Mỹ từng đóng cửa trong 35 ngày cũng vì không đạt được thỏa thuận phê chuẩn dự luật chi tiêu ngân sách. Khi đó, nhiều nhân viên kiểm soát không lưu đã xin nghỉ ốm để không phải đi làm không lương, kéo theo hệ lụy là nhiều chuyến bay bị trì hoãn. Cũng vì tình thế bế tắc nghiêm trọng đó mà hai đảng Dân chủ và Cộng hòa rốt cuộc đã đi đến được một thỏa thuận để chính phủ mở cửa lại.

Trong bối cảnh tình hình Covid-19 còn nóng, cựu nhân viên Quốc hội Mỹ William Hoagland cho rằng, có thể những hỗn loạn, đứt gãy tại các cơ quan y tế công của liên bang sẽ khiến chính phủ không thể đóng cửa dài ngày.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.