Quan hệ xuyên Đại Tây Dương lung lay vì AUKUS

.

Thỏa thuận đối tác an ninh mới giữa Mỹ, Anh và Úc (AUKUS) là một phần chiến lược “xoay trục” của chính phủ Tổng thống Joe Biden, nhưng vấp phải phản ứng của Pháp và Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Úc Scott Morrison (giữa) họp trực tuyến với Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden, công bố thỏa thuận AUKUS ngày 16-9. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Úc Scott Morrison (giữa) họp trực tuyến với Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden, công bố thỏa thuận AUKUS ngày 16-9. Ảnh: Reuters

AUKUS được ghép từ tên tiếng Anh của 3 nước là Úc (Australia), Vương quốc Anh (UK) và Mỹ (US), tạo tiền đề chuyển giao nhiều công nghệ tiên tiến và năng lực quốc phòng cho Úc, quốc gia có vị trí quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.

Hãng tin Reuters cho biết, thỏa thuận AUKUS bao gồm chia sẻ thông tin và công nghệ, đáng chú ý nhất là dự án chế tạo tàu ngầm hạt nhân tại thành phố Adelaide của Úc. Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp công nghệ và khả năng triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc - một đặc quyền dành riêng cho một số đồng minh của Washington. Như vậy, Úc sẽ là quốc gia thứ 7 trên thế giới sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trước Úc, Anh là quốc gia duy nhất được Mỹ chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân. Hiệp định phòng thủ tương hỗ năm 1958 chính là văn kiện nền tảng cho quan hệ đồng minh đặc biệt giữa Washington và London.

Tuy nhiên, cái bắt tay của Mỹ, Anh và Úc khiến thỏa thuận tàu ngầm trị giá gần 40 tỷ USD do Pháp thiết kế đổ vỡ. Phát biểu trên đài phát thanh France Info ngày 16-9, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi động thái của Mỹ và Úc là “hành động đâm sau lưng”, đồng thời cho rằng “đây không phải là việc các đồng minh ứng xử với nhau”. Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp, ông hoàn toàn không hiểu động thái của Mỹ. “Quyết định đơn phương, không thể đoán trước này khiến tôi nhớ lại rất nhiều điều mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng làm”, ông Jean-Yves Le Drian bày tỏ.

Theo Reuters, năm 2016, Úc chọn Tập đoàn Hải quân của Pháp để đóng 12 tàu ngầm tối tân thuộc lớp Attack chạy bằng năng lượng thông thường, thay thế các tàu ngầm Collins hơn 20 năm tuổi. Cách đây 2 tuần, những người đứng đầu Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Úc còn xác nhận lại thỏa thuận với Pháp. Thế nhưng, Canberra giờ đây chọn Washington và gạt Paris sang một bên. “Chúng tôi cần lời giải thích. Chúng tôi có những hợp đồng - người Úc cần nói với chúng tôi họ định phá bỏ hợp đồng với chúng tôi như thế nào”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian nói. Lý giải của Thủ tướng Úc Scott Morrison rằng “việc không tiếp tục hợp đồng tàu ngầm lớp Attack và ngừng lộ trình này không phải là việc thay đổi ý định mà là thay đổi nhu cầu” xem ra không thuyết phục được Pháp. Trước đó, hợp đồng bị chậm trễ tiến độ nhưng kịch bản hủy hợp đồng là điều mà Paris có lẽ không ngờ tới.

EU cũng cho biết, liên minh này không được thông báo trước và không được tham vấn về thỏa thuận đối tác an ninh mới giữa Mỹ, Anh, Úc. Cao ủy EU phụ trách đối ngoại, ông Josep Borrell nói: “Một thỏa thuận như thế này không thể được đưa ra chỉ sau một đêm mà là cả một quá trình thảo luận”.

Hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Morrison nêu rõ: Liên minh Mỹ - Anh - Úc liên quan đến một cam kết rất quan trọng không chỉ trong hôm nay mà còn cho mãi về sau. Ông gọi đây là “mối quan hệ đối tác vĩnh viễn”, một trong những cam kết giữ an toàn và an ninh cho Úc trong tương lai. Trong lúc đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tìm cách “hạ nhiệt” căng thẳng bằng việc khẳng định Pháp vẫn là đối tác quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Song, những gì diễn ra cho thấy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang lung lay. Pháp không hề dễ chịu với cảm giác “bị phản bội”. Còn EU ngay lập tức công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tăng cường sự hiện diện ở khu vực thông qua các chuyến thăm, hoạt động đi lại tự do; tập trung củng cố quan hệ với các nước đối tác như Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.