Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) vừa tung “quả bom” mới với số tài liệu khổng lồ có tên Hồ sơ Pandora (Pandora Papers) phanh phui việc các lãnh đạo thế giới, các tỷ phú và người nổi tiếng đang cất tiền tại các “thiên đường thuế” như thế nào.
Các tòa nhà cao tầng tại thành phố Panama của Panama (ảnh chụp ngày 3-10-2021). Panama là một trong những nước được mệnh danh là “thiên đường thuế” của giới siêu giàu. Ảnh: Reuters |
Đây là cuộc điều tra có quy mô lớn nhất trước nay do ICIJ tổ chức với sự tham gia của hơn 600 nhà báo tại 117 quốc gia. Tham gia điều tra có những đối tác truyền thông của ICIJ gồm Washington Post (Mỹ), BBC (Anh), The Guardian (Anh), Radio France (Pháp) Indian Express (Ấn Độ) và một số đơn vị khác. Cuộc điều tra đã phanh phui một hệ thống quản lý tài chính ở nước ngoài mà các nhà lãnh đạo chính phủ, các tỷ phú và cả giới tội phạm thường dùng để cất giấu những khối tài sản lớn.
Hồ sơ Panama “chưa là gì”
Một cuộc điều tra tương tự nhưng có quy mô hẹp hơn cũng do ICIJ tổ chức năm 2016 có tên Hồ sơ Panama (Panama Papers) đã làm rõ các thủ đoạn trốn/tránh thuế của giới siêu giàu tại “thiên đường thuế” Panama. Cuộc điều tra đó đã buộc hai lãnh đạo thế giới phải rời cương vị và cũng khiến nhiều cuộc biểu tình nổ ra.
Trong Hồ sơ Panama chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ tài chính tiết lộ chứng từ thuế. Song, ở Hồ sơ Pandora, cuộc điều tra được tiến hành trên cơ sở tài liệu do 14 nhà cung cấp dịch vụ tài chính ở nước ngoài tiết lộ. Các công ty này đóng tại Belize - một quốc gia Trung Mỹ, quần đảo Virgin thuộc Anh, Singapore, Cộng hòa Cyprus, Thụy Sĩ và hai bang South Dakota, Delaware của Mỹ.
Theo đó, 11,9 triệu tài liệu chứng từ đã được tiết lộ cho ICIJ. Hồ sơ Pandora liên quan hơn 330 quan chức, trong đó có 35 lãnh đạo thế giới đã sử dụng các “thiên đường thuế” ở nước ngoài để cất giữ những tài sản trị giá hàng trăm triệu USD. Các tài liệu trong Hồ sơ Pandora tiết lộ về các hoạt động tài chính chi tiết của gần 29.000 tài khoản đặt tại nước ngoài, trong đó có hơn 130 người có tên trong danh sách các tỷ phú của tạp chí Forbes (Mỹ).
Lãnh đạo của các nước ở cả 5 châu lục đều sử dụng tài khoản ở nước ngoài, trong đó có 14 nguyên thủ quốc gia đương chức (Tổng thống Cộng hòa Dominica Luis Abinader, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky).
5 năm trước, khi cuộc điều tra Hồ sơ Panama được công bố, một số người cho rằng nó sẽ giúp tạo ra những cải tổ trong hoạt động quản lý ngân hàng ở nước ngoài. Thế nhưng, cuộc điều tra Hồ sơ Pandora lại cho thấy giới siêu giàu tiếp tục tìm ra những chiêu thức mới để “kéo màn” che cho tài sản của họ.
Lựa chọn ngầm của giới siêu giàu
Vì sao người ta phải cất giữ tiền và tài sản ở nước ngoài? Câu trả lời là vì các công ty đặt ở nước ngoài cung cấp dịch vụ giúp những người giàu giữ tiền bảo mật kỹ hơn rất nhiều so với các tổ chức tài chính thông thường tại quốc gia sở tại của họ. Việc bí mật sở hữu tài sản như vậy ở nước ngoài giúp những người chủ sở hữu có thể “tàng hình” khối tài sản của họ trước các trách nhiệm đóng thuế, các vụ kiện tụng dân sự, các chủ nợ và cả các nhà điều tra.
Tính bảo mật thông tin cho các chủ sở hữu tài sản theo cách này kín kẽ tới mức ngay trong chính các tài liệu nội bộ của họ với các bên cung cấp dịch vụ tài chính, một số thực thể tại nước ngoài không cần ghi tên đầy đủ của chủ tài sản. Họ sẽ dùng các ký tự viết tắt đầu tiên trong tên, hoặc đơn giản là dùng cụm từ “người sở hữu hưởng lợi” (beneficial owner) - một thuật ngữ chỉ người nhận số tài sản đó.
Thực tế, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính kiểu vậy ở nước ngoài thường được thành lập theo quy định luật pháp nước sở tại - nơi họ đặt trụ sở, có nghĩa là hợp pháp. Tuy nhiên, một số khách hàng của họ sử dụng các dịch vụ ở nước ngoài theo những cách phi pháp. Nói cách khác, các “thiên đường thuế” là hợp pháp nhưng chúng có thể bị sử dụng cho những mục đích phi pháp.
Các tác giả báo cáo điều tra Hồ sơ Pandora cho rằng, thuật ngữ “ngân hàng ở nước ngoài” (offshore banking) ban đầu được tạo ra để nói tới các quốc đảo có luật tài chính dễ dãi cho phép mọi người có thể giấugiếm tài sản của họ. Song, thuật ngữ này hiện được dùng để nói tới những nơi bên ngoài quốc gia sở tại của một người mà họ có thể cất giấu tài sản, không cần phải tuân thủ những quy định pháp luật như ở đất nước họ đang sống.
TRẦN ĐẮC LUÂN
(theo Washington Post, Reuters, NPR)