Mỹ vẫn chậm trong chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19

.

Đến nay, 56,7% dân số Mỹ, tương đương hơn 185 triệu người, đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đầy đủ. Nhiều nước khác đang bỏ xa Mỹ trong chiến dịch tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng.

Một trung tâm tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở New York, Mỹ. Ảnh: AP
Một trung tâm tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở New York, Mỹ. Ảnh: AP

Trang thống kê worldometers cho biết, Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca mắc Covid-19 và số ca tử vong với các con số lần lượt là 45,1 triệu ca và 733.000 ca. Sự xuất hiện của biến thể Delta khiến số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Mỹ vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới.

Tính đến ngày 9-10, tỷ lệ tiêm chủng ở Mỹ là 65,7% (ít nhất 1 mũi) và 56,7% (tiêm 2 mũi), theo Fox News. Trong khi đó, đứng đầu về tỷ lệ tiêm chủng của thế giới là Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh nằm trên bờ biển phía nam Tây Ban Nha, có tỷ lệ tiêm chủng đạt 119%. Hồi tháng 9, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đạt hơn 81% dân số. Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Singapore, Uruguay, Chile, Canada, Pháp, Bỉ, Ý đều vượt Mỹ về tỷ lệ tiêm 2 mũi cho người dân. Ngay cả Pháp, nước khởi động tiêm chủng chậm chạp do rào cản về nguồn cung và tâm lý e ngại của người dân, đến nay cũng đã vượt Mỹ.

Điều đáng nói, Mỹ không hề gặp khó khăn về nguồn cung vắc-xin. Hơn thế nữa, cường quốc này còn là nhà tài trợ vắc-xin ngừa Covid-19 lớn nhất, vượt xa các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Vương quốc Anh. Ngày 22-9 vừa qua, Mỹ thông báo tăng gấp đôi viện trợ vắc-xin ngừa Covid-19, lên tổng cộng 1,1 tỷ liều cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Theo đó, có 92 quốc gia cùng 55 nước thành viên Liên minh châu Phi được nhận số vắc-xin viện trợ này.

Tuần trước, phát biểu tại một công trường xây dựng bên ngoài thành phố Chicago (bang Illinois), Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng, vẫn có một bộ phận người dân ở Mỹ đủ điều kiện tiêm chủng nhưng không tiêm. Vì vậy, chính phủ Mỹ yêu cầu các công ty tư nhân chủ động áp dụng lệnh bắt buộc nhân viên tiêm chủng. Hãng tin AP dẫn lời người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh, yêu cầu tiêm chủng bắt buộc là điều cần thiết và là công cụ hiệu quả nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19.

Chính phủ Mỹ đã áp dụng rất nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ tiêm chủng, trong đó có quy định buộc người lao động tiêm vắc-xin và triển khai mũi tiêm tăng cường; Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt hoàn toàn vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer cho người từ 16 tuổi trở lên… Theo kế hoạch thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng quốc gia do Tổng thống Biden vừa công bố, các doanh nghiệp có hơn 100 nhân viên phải bảo đảm toàn bộ nhân sự được tiêm vắc-xin hoặc xét nghiệm Covid-19 hằng tuần. Quy định này được cho là có thể ảnh hưởng đến 80 triệu người.

Mỹ đối mặt với mùa đông sắp đến và với sự có mặt của vắc-xin, số tử vong do Covid-19 có thể giảm hơn so với mùa đông trước đó. Tháng 12-2020 và tháng 1-2021, Mỹ trải qua làn sóng dịch bệnh chết chóc nhất với ngày có tới 3.000 người tử vong.

Theo AP, hiện nay, với 12% dân số khẳng định không tiêm vắc-xin trong bất kỳ trường hợp nào, những kịch bản xấu vẫn có thể xảy ra khi biến thể Delta gây nguy cơ tử vong cao. Đó là chưa kể khả năng xuất hiện các biến thể mới.

Ngay từ tháng 12-2020, TS. Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ cho rằng, cần từ 70-90% dân số Mỹ được tiêm vắc-xin để đạt miễn dịch cộng đồng. Giờ đây, nước Mỹ vẫn còn một chặng đường dài phía trước và “đây là đại dịch của những người chưa được tiêm chủng” - như nhận định của Tổng thống Biden hồi cuối tuần qua.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.