Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) diễn ra từ ngày 31-10 đến 12-11 tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn tình trạng trái đất nóng lên, đạt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050 cũng như thiết lập các quỹ trị giá hàng chục tỷ USD trợ giúp các nước đang phát triển thực hiện chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, có nhiều thách thức đặt ra trước thềm hội nghị:
Một là, COP26 sẽ vắng các nguyên thủ của một số nước đóng vai trò lớn trong việc phát thải carbon như Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; làm giảm đáng kể cơ hội đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá.
Hai là, vấn đề niềm tin của các nước đang phát triển đối với khối nước giàu đang đặt ra khẩn thiết. Các nước giàu không thực hiện được cam kết tài trợ cho các nước phát triển hằng năm 100 tỷ USD cho cuộc chiến khí hậu, kể từ năm 2020. Giám đốc truyền thông Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund) Simon Wilson cho hay, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cần đến “hàng nghìn tỷ USD”. Nhưng theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hồi tháng 9 vừa qua, tổng các cam kết mới đạt gần 80 tỷ USD.
Thực tế cho thấy, Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tập trung khoảng một nửa lượng khí thải toàn cầu, nhưng một phần quan trọng của cuộc chiến vì khí hậu sẽ được quyết định tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Mặt khác, Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015 dự kiến cân bằng 2 lĩnh vực: cắt giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Riêng về việc thích ứng với biến đổi khí hậu, LHQ từng ước tính từ năm 2016-2030 cần từ 140-300 tỷ USD hằng năm, chỉ riêng tại các nước đang phát triển. Một vấn đề quan trọng khác, 2/3 tài trợ của các nước giàu cho các nước nghèo là dưới hình thức cho vay, trong lúc các nước đang phát triển coi các nước phát triển mắc nợ họ vì trách nhiệm lịch sử trong việc gây ra biến đổi khí hậu.
Ba là, bảo vệ khí hậu thế giới chủ yếu trông chờ vào sự hợp tác Mỹ - Trung, hai nước chiếm phần lớn lượng phát thải khi gây hiệu ứng nhà kính. Từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã xác định 2 ưu tiên lớn trong chính sách đối ngoại là ngăn chặn đà bành trướng sức mạnh của Trung Quốc và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Để thực hiện được 2 mục tiêu này, chính phủ của ông chủ trương vừa “cạnh tranh chiến lược”, vừa sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu với Trung Quốc.
Ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về đàm phán khí hậu, đã 2 lần đến Trung Quốc nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh từ bỏ các trung tâm nhiệt điện chạy than. Trong khi đó, dù Trung Quốc tỏ ra sẵn sàng hợp tác, nhưng Ngoại trưởng nước này, ông Vương Nghị, cảnh báo “không thể đặt hợp tác Mỹ - Trung về khí hậu lên trên bầu không khí chung của các mối quan hệ Mỹ - Trung”.
Giới quan sát tại Washington nhìn thấy khả năng Bắc Kinh sẽ sử dụng chuyện hợp tác khí hậu để mặc cả để có được các nhượng bộ của Mỹ trong các vấn đề khác gai góc hơn.
Mặc dù vậy, dư luận thế giới hy vọng COP26 là diễn đàn đa phương để Mỹ và Trung Quốc thể hiện cam kết hợp tác, gánh vác trách nhiệm bảo vệ bầu khí quyển với tư cách là những cường quốc, đồng thời là hai nước phát thải lượng khí gây ô nhiễm bầu khí quyển lớn hàng đầu thế giới. Chỉ khi đó, các cuộc thương lượng khác xung quanh vấn đề bảo vệ khí hậu trái đất mới trở nên dễ dàng hơn.
TUYẾT MINH