Tìm giải pháp đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán

.

Việc CHDCND Triều Tiên xác nhận nước này đã thử nghiệm thành công một mẫu mới tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) đặt ra nhu cầu cấp bách về đối thoại và ngoại giao để giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. 

Vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới được hãng thông tấn KCNA đăng ngày 19-10. Ảnh: KCNA
Vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới được hãng thông tấn KCNA đăng ngày 19-10. Ảnh: KCNA

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 20-10 cho biết, SLBM kiểu mới được phóng lần này có nhiều công nghệ dẫn đường tiên tiến, được phóng từ tàu ngầm “8.24 Yongung” - tàu ngầm từng thử nghiệm thành công SLBM đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2016. Đây là vụ phóng SLBM đầu tiên của Bình Nhưỡng trong 2 năm qua và là vụ thử tên lửa lần thứ 5 kể từ tháng 9 đến nay. Vụ việc xảy ra trong lúc quốc gia này gây áp lực để Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự chung, đồng thời dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng.

Theo KCNA, vụ phóng mới nhất của Triều Tiên sẽ “góp phần to lớn đưa công nghệ quốc phòng của nước này lên một trình độ cao, nâng cao năng lực tác chiến dưới nước của hải quân”. Hãng thông tấn AFP cũng nhận định, việc Triều Tiên thử thành công SLBM góp phần đưa kho vũ khí của quốc gia Đông Bắc Á này lên tầm cao mới. Song, việc sử dụng SLBM cùng tàu ngầm “8.24 Yongung” lại cho thấy Triều Tiên chỉ đạt được những tiến bộ hạn chế trong năng lực phóng tên lửa.

Vụ phóng xảy ra hôm 19-10 cũng là lần thử loại vũ khí cấp cao nhất của Triều Tiên kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1-2021. Chính phủ của ông Biden từng nói rằng, Mỹ để ngỏ việc nối lại ngoại giao hạt nhân với Triều Tiên “bất kỳ khi nào và bất kỳ nơi đâu” mà không kèm các điều kiện tiên quyết.

Hãng tin AP cho hay, ngày 19-10 (giờ Washington), Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng, Mỹ sẵn sàng can dự trong vấn đề ngoại giao với Triều Tiên và việc quốc gia Đông Bắc Á này liên tục thử tên lửa gần đây nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết phải đối thoại, thúc đẩy ngoại giao. Bà Psaki cũng khẳng định Mỹ duy trì các đề xuất gặp đại diện của Triều Tiên ở “bất kỳ khi nào và bất kỳ nơi đâu” một cách vô điều kiện.

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều bày tỏ quan ngại về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, bởi những vụ phóng như thế có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của 3 nước trong việc đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một quan chức Hàn Quốc giấu tên đưa ra ý kiến rằng, các vụ tên lửa sẽ không lập tức làm suy yếu những nỗ lực chung của các nước nhằm tái khởi động đối thoại với Bình Nhưỡng.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có cuộc họp kín khẩn cấp trong ngày 20-10 theo đề nghị của Mỹ và Anh để bàn về vấn đề Triều Tiên. Hiện Mỹ và Hàn Quốc coi việc tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 là một cách để khởi động lại đối thoại với Bình Nhưỡng. “Tuyên bố chấm dứt chiến tranh là một bước đi quan trọng để có thể dẫn đến đối thoại, tái khởi động tiến trình hòa bình, mục đích là xây dựng niềm tin để tạo ra môi trường đối thoại”, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong nói.

Theo Yonhap, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, ông Sung Kim cũng sẽ đến Seoul để bàn thảo với các đồng minh về khả năng nối lại ngoại giao với Bình Nhưỡng. Ngày 19-10, ông Sung Kim cho biết, Mỹ để ngỏ đối thoại nhưng vẫn duy trì trừng phạt cho đến khi Bình Nhưỡng thực hiện các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa.

Ông Moon Keun-sik, chuyên gia về tàu ngầm giảng dạy tại Đại học Kyonggi (Hàn Quốc) nhận định: “SLBM là vũ khí hạt nhân đáng sợ nhất vì chúng tôi không biết nó có thể được bắn đi đâu. Mục tiêu của Triều Tiên là chế tạo các SLBM mạnh hơn, có thể bắn từ các tàu ngầm lớn như Mỹ thực hiện”. Câu hỏi được đặt ra là liệu Triều Tiên có tiếp tục thử vũ khí trong lúc các nỗ lực ngoại giao đang được thúc đẩy hay không? Hãng tin AP dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng có thể tiếp tục hành động như vậy trong một vài tháng nữa, thậm chí có thể phóng tên lửa tầm xa để gây sức ép lên Mỹ.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.