Theo thông báo của Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA), ngày 16-10, nước này đưa 3 phi hành gia lên trạm vũ trụ trong vòng 6 tháng theo sứ mệnh của tàu Thần Châu-13, trong đó có một nữ thành viên. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặc quan trọng trong sứ mệnh chinh phục vũ trụ đối với các nữ phi hành gia và chương trình không gian đang trên đà phát triển vượt bậc của Trung Quốc.
Theo hãng tin CNN, tàu Thần Châu-13 được phóng lúc 0 giờ 23 ngày 16-10 từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi, tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc. Đây là chuyến bay lớn cuối cùng của CMSA trong năm 2021 để xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung. Vương Á Bình, thành viên nữ duy nhất trong phi hành đoàn của Thần Châu-13, trở thành nữ phi hành gia đầu tiên của nước này có mặt trên trạm vũ trụ mới và thực hiện chuyến đi bộ vào không gian. Nữ phi hành gia 41 tuổi đến từ tỉnh Sơn Đông, đã tham gia phi hành đoàn của sứ mệnh Thần Châu-10 vào năm 2013 và là người thực hiện bài giảng khoa học trên truyền hình đầu tiên cho hơn 60 triệu học sinh, giáo viên của Trung Quốc khi ở trên phòng thí nghiệm vũ trụ Thiên Cung-1.
Theo CMSA, các phi hành gia trên tàu Thần Châu-13 sẽ ở trong không gian 6 tháng - thời gian lưu trú dài nhất trong không gian của giới du hành vũ trụ Trung Quốc. Sứ mệnh sắp tới Thần Châu-13 sẽ gồm hoạt động bên ngoài tàu vũ trụ, lắp đặt các thiết bị quan trọng cho cánh tay cơ học cũng như các thí nghiệm và ứng dụng khoa học khác nhau. Năm 2022, Trung Quốc dự kiến hoàn tất việc xây dựng và đưa vào vận hành trạm không gian Thiên Cung. Nếu Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) chấm dứt sứ mệnh vào năm 2025, Thiên Cung sẽ trở thành trạm vũ trụ duy nhất trong không gian lúc đó.
THƯ LÊ