Iran đồng ý nối lại đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc vào ngày 29-11 sau 5 tháng trì hoãn đối thoại. Mục tiêu của Tehran là hoàn tất một phiên bản mới của thỏa thuận hạt nhân (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA).
Đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora sẽ chủ trì cuộc đàm phán vào ngày 29-11. Ông Mora đã dẫn dắt 6 vòng đàm phán hạt nhân Iran ở Vienna (Áo). Ảnh: Reuters |
Hãng tin AP dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani - Trưởng đoàn đàm phán của nước Cộng hòa Hồi giáo này - xác nhận sẽ nối lại đàm phán ở Vienna (Áo) vào ngày 29-11, đồng thời khẳng định mục tiêu “dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trái phép và phi nhân tính”.
Vẫn tồn tại bất đồng
Theo AFP, kể từ khi vòng đàm phán thứ sáu kết thúc vào tháng 6-2021 đến nay đã có rất nhiều thay đổi, đáng chú ý là cuộc bầu cử Tổng thống ở Iran mang lại chiến thắng cho ông Ebrahim Raisi, người có quan điểm cực đoan. Trong suốt quãng nghỉ “giữa hiệp”, Iran vẫn tiếp tục theo đuổi hoạt động hạt nhân; thậm chí những người ủng hộ JCPOA cho rằng, thỏa thuận này sẽ trở nên vô ích vì những tiến bộ trong việc làm giàu uranium của Tehran. Bằng chứng cụ thể là ngày 5-11, Iran thông báo dự trữ uranium làm giàu ở mức tinh khiết 60% đã lên đến 25kg. Ngày 3-11, Iran cho biết đã tăng gần gấp đôi trữ lượng được làm giàu trong vòng gần 1 tháng qua và có hơn 210kg uranium được làm giàu tới mức tinh khiết 20%.
Với JCPOA, Iran cam kết giảm quy mô các hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt về kinh tế. Thỏa thuận này quy định Iran làm giàu uranium chỉ ở mức 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân. Song, kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran vào năm 2018, Tehran dần thu hẹp các cam kết của mình.
Các nhà quan sát cho rằng, bất đồng hiện nay vẫn là các bước Iran cần thực hiện để tuân thủ JCPOA trở lại, các bước nới lỏng trừng phạt mà Mỹ có thể thực hiện đối với Tehran và các hành động cụ thể của hai bên nếu đạt được một phiên bản mới của thỏa thuận.
Iran sẽ không rời bàn đàm phán
Hãng tin AFP dẫn lời bà Kelsey Davenport, Giám đốc Chính sách không phổ biến hạt nhân tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí nhận định: Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách cân bằng giữa một bên là chứng minh rằng Iran sẽ được hưởng lợi khi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nếu khôi phục thỏa thuận và một bên là không nhượng bộ những mặc cả của nước Cộng hòa Hồi giáo này. “Mỹ không thể để Iran tiếp tục vi phạm thỏa thuận hạt nhân”, bà Davenport nói, đồng thời nhấn mạnh, chính phủ của Tổng thống Biden cũng cần chỉ ra “những lợi ích cụ thể và tức thì” của một thỏa thuận mới. Mỹ sẽ bước vào các vòng đàm phán ở Vienna theo hình thức gián tiếp với hy vọng nhanh chóng khôi phục một thỏa thuận vốn đã bị người tiền nhiệm Donald Trump từ chối.
Ba nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Đức hoan nghênh “những cam kết rõ ràng của Tổng thống Biden trong việc Mỹ trở lại tuân thủ JCPOA” và kêu gọi Iran cũng nên làm như vậy. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, ông Mikhail Ulyanov, cho rằng các cam kết của Tổng thống Biden là “bước đi đáng kể hướng đến bảo đảm những gì Iran đang tìm kiếm”.
Về phía Iran, mục tiêu được đặt ra là hoàn tất một phiên bản mới JCPOA vào cuối năm dương lịch của Tehran (kết thúc vào ngày 20-3-2022), kèm với việc Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cảnh báo không chấp nhận “những đòi hỏi quá đáng” trong cuộc đàm phán sắp được nối lại. Theo ông, Iran sẽ không rời bàn đàm phán nhưng kiên quyết phản đối bất kỳ yêu cầu thái quá nào của phương Tây có thể gây tổn hại đến lợi ích của người dân nước này.
Các nước phương Tây cũng đặt câu hỏi rằng Tổng thống Iran Raisi cũng như nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei có quan tâm việc duy trì JCPOA hay không và sẽ theo dõi các cuộc đối thoại ở Vienna để xem Tehran đàm phán như thế nào.
PHÚC NGUYÊN