Giảm khí methane - điểm nhấn của COP26

.

Lãnh đạo của hơn 100 quốc gia hôm 2-11 ký đồng thuận với Cam kết cắt giảm khí methane toàn cầu do Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng và bảo trợ, theo đó sẽ giảm bớt phát thải loại khí có “tội” rất lớn (chỉ sau CO2) trong việc làm trái đất nóng lên.

Các cuộc tuần hành diễn ra ở Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) kêu gọi các nhà lãnh đạo dự hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hành động ngay để chống lại sự biến đổi khí hậu. Ảnh: AP
Các cuộc tuần hành diễn ra ở Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) kêu gọi các nhà lãnh đạo dự hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hành động ngay để chống lại sự biến đổi khí hậu. Ảnh: AP

Cam kết này thực sự là điểm nhấn của hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (COP26) về biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh). Lâu nay, truyền thông nhắc nhiều hơn tới khí CO2 như thủ phạm chính gây ra biến đổi khí hậu. Nhưng giờ đây, tại COP26, các nhà lãnh đạo thế giới chỉ đích danh một thủ phạm khác rất nguy hiểm với bầu khí quyển trong lành của nhân loại.

Vì sao là khí methane?

Khí methane còn gọi là khí thiên nhiên được sinh ra từ các nguồn chủ yếu như hoạt động phân hủy ở các vùng ngập nước như đồng ruộng, ao hồ, trầm tích đáy biển; chất thải chăn nuôi và trong dạ dày các loài nhai lại; hoạt động khai thác dầu mỏ, đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, chưng cất than đá. Mặc dù không nhiều bằng CO2 và cũng tồn tại trong không khí không lâu như CO2, nhưng khí methane lại gây hiệu ứng nhà kính tăng mạnh trong hơn một thập niên qua và trở thành mối đe dọa khiến mục tiêu chống hiện tượng nóng lên toàn cầu trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Ủy viên phụ trách vấn đề năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson từng khẳng định: “Khí methane gây ra khoảng 30% sự nóng lên toàn cầu kể từ thời kỳ tiền công nghiệp”. Đáng lo hơn khi trong những năm gần đây, giới khoa học môi trường cho biết, nồng độ methane trong khí quyển đã tăng lên với tốc độ nhanh hơn và hiện ở mức độ cao nhất trong ít nhất 800.000 năm qua, theo AFP.

Trong một báo cáo công bố hồi tháng 5, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết, nếu tới giữa thế kỷ này, lượng phát thải methane toàn cầu được cắt giảm gần một nửa thì sẽ giúp giảm 0,3 độ C nhiệt độ Trái đất tăng lên. Dĩ nhiên, bên cạnh mục tiêu cắt giảm phát thải methane, cũng cần phải nhấn mạnh một lần nữa việc giảm phát thải CO2 tiếp tục là điều cần thiết để ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái đất về lâu dài.

Trong thời gian tới, việc phát thải khí methane sẽ sớm được theo dõi sát sao thông qua vệ tinh, máy bay và các phương tiện khác trên mặt đất, từ đó giúp việc giám sát phát thải chính xác hơn, biến một sáng kiến mang tính tự nguyện như Cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu trở thành một cơ chế có tính ràng buộc mạnh mẽ hơn với các bên tham gia.

Cam kết của các nước lớn

Tại COP26, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết cắt giảm phát thải khí methane. Đáng chú ý khi trong số hơn 100 nước tham gia ký cam kết, có 15/30 quốc gia phát thải methane lớn nhất thế giới như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Indonesia, Pakistan, Argentina, Mexico, Nigeria, Iraq, Canada...

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng công bố các biện pháp nghiêm ngặt hơn để siết hoạt động của ngành công nghiệp khí đốt và xăng dầu của cường quốc này trong nỗ lực giảm thiểu phát thải methane. “Một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm trong thập niên mang tính quyết định này là giảm phát thải khí methane càng nhanh càng tốt”, ông Biden nói về Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu. Theo cam kết này, các bên tham gia đồng thuận với nỗ lực tới năm 2030 sẽ giảm 30% phát thải khí methane toàn thế giới.

Cùng với quyết tâm của Tổng thống Biden, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Mỹ cũng đề xuất những quy định mới nhằm giảm phát thải methane tại các điểm khai thác dầu và khí đốt, bao gồm cả các nguồn phát thải đã có và mới. Cụ thể hơn, EPA cũng sẽ yêu cầu các bang phải xây dựng kế hoạch giảm phát thải của khoảng 300.000 điểm khai thác dầu và khí đốt hiện nay của Mỹ. EPA ước tính, với những quy định mới đó, họ có thể giảm phát thải 41 triệu tấn khí methane trong giai đoạn từ 2023-2035.

Cùng với Mỹ, EU cũng tham gia xây dựng sáng kiến Cam kết methane toàn cầu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định: “Methane là một trong những khí chúng ta có thể giảm bớt nhanh nhất”. Bà cũng nhấn mạnh việc này sẽ “ngay lập tức làm chậm lại tình trạng biến đổi khí hậu”.

Trong khi đó, TS. Fatih Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris (Pháp) ca ngợi việc hơn 100 nước đồng thuận cắt giảm khí methane tại COP26 là “một khoảnh khắc lịch sử”. Theo ước tính của ông Birol, việc đạt mục tiêu của Cam kết methane toàn cầu cũng giảm được tác hại tương đương với lượng phát thải khí nhà kính của mọi tàu thuyền, máy bay và các phương tiện khác trên thế giới.

TRẦN ĐẮC LUÂN
(theo Axios, New York Times, AFP)

;
;
.
.
.
.