Mỹ - Trung "hạ nhiệt" căng thẳng, tìm tiếng nói chung

.

Đối mặt với những áp lực ở trong nước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như quyết tâm “hạ nhiệt” căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp gỡ trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp gỡ trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Báo New York Times cho hay, cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung diễn ra trong 3,5 tiếng đồng hồ tối 15-11 (sáng 16-11, giờ Việt Nam) đề cập về mối quan hệ song phương và một số vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.

Không có tuyên bố chung

Đúng như dự đoán của Nhà Trắng và các nhà quan sát, không có những tuyên bố lớn nào và cũng không có tuyên bố chung được đưa ra. Song, AP dẫn thông tin của Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi thực chất. Ông Tập Cận Bình gọi Tổng thống Biden là “bạn cũ”, bởi chủ nhân hiện tại của Nhà Trắng từng thăm Trung Quốc vào năm 2013, lúc đó ông Biden làm Phó Tổng thống Mỹ. “Dù cuộc gặp này không tốt bằng gặp gỡ trực tiếp, nhưng tôi rất vui khi thấy người bạn cũ của mình”, ông Tập Cận Bình nói, đồng thời cho rằng “Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường trao đổi và hợp tác”.

Ông Tập Cận Bình còn nói rằng, mối quan hệ Trung - Mỹ lành mạnh và ổn định là điều cần thiết để thúc đẩy sự phát triển riêng của hai nước, bảo vệ môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, đồng thời tìm giải pháp ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Vì vậy, Trung Quốc và Mỹ nên tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại trong hòa bình và theo đuổi hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Trong khi đó, Tổng thống Biden mở đầu cuộc gặp đã đề cập việc “không để sự cạnh tranh giữa hai quốc gia không trở thành xung đột, dù có chủ đích hay ngoài ý muốn”. “Nói đơn giản hơn, hai nước sẽ cạnh tranh thẳng thắn”, ông Biden nói. Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm tiếng nói chung xung quanh những bất đồng và hợp tác cùng nhau trong các vấn đề cùng có lợi.

Cùng nhau đối mặt với nhiều thách thức

Cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh hai nhà lãnh đạo chuẩn bị bước vào năm 2022 với những vấn đề riêng trong chính sách đối nội. Theo AP, cả Tổng thống Biden lẫn Chủ tịch Tập Cận Bình đều gặp những áp lực ở trong nước khi mối quan hệ Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng. Ông Biden sắp bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022 trong lúc có những lo ngại về đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài, và nước Mỹ đối mặt với tình trạng lạm phát cùng các vấn đề về chuỗi cung ứng hàng hóa.

Ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình phải ứng phó với làn sóng Covid-19 đang trở lại với số ca nhiễm mới gia tăng, sự thiếu hụt năng lượng và khủng hoảng nhà ở. “Ngay lúc này, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều đang ở trong những giai đoạn phát triển quan trọng, nhân loại đang sống trong một ngôi làng toàn cầu và chúng ta cùng nhau đối mặt với nhiều thách thức”, ông Tập Cận Bình nói.

Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ hồi tháng 1-2021, ông Biden muốn có cuộc gặp riêng rẽ với ông Tập Cận Bình, nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc không có chuyến công du nước ngoài nào kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Vì vậy, Nhà Trắng đã đề xuất cuộc gặp trực tuyến lần này, xem đây là giải pháp tốt nhất để hai bên trao đổi thẳng thắn về hàng loạt vấn đề.

Theo báo South China Morning Post, đây là dịp để hai nhà lãnh đạo kiềm chế căng thẳng, không để cạnh tranh vượt ngoài tầm kiểm soát. Trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Hai nước đều có lợi khi hợp tác và chịu tổn thất nếu đối đầu. Hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất. Từ ứng phó với đại dịch Covid-19 cho tới giải quyết các mối đe dọa hiện hữu do khủng hoảng khí hậu, quan hệ Mỹ - Trung có tác động tới cả thế giới”.

Dù sao hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung trực tuyến, sự kiện được chờ đợi này, cũng chỉ mang tính chất biểu tượng, hơn là tạo ra đột phá làm “tan băng” quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Báo New York Times dẫn lời ông Daniel Russel, từng phụ trách các vấn đề ở châu Á - Thái Bình Dương nhận định, sự kiện này mới là “bước khởi đầu của quá trình thoát khỏi vực sâu và đòi hỏi sự tham gia thường xuyên hơn của hai nhà lãnh đạo”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.