Nhiều nước chưa yên tâm với thỏa thuận AUKUS

.

Úc, Anh và Mỹ vừa ký thỏa thuận cho phép trao đổi thông tin bí mật về công nghệ đẩy hạt nhân dùng cho hải quân, mở đường cho Canberra trang bị tàu ngầm hạt nhân. Thỏa thuận này nằm trong khuôn khổ liên minh quốc phòng Úc - Anh - Mỹ (AUKUS) được thành lập hồi tháng 9.

Cao ủy Anh Victoria Treadell (trái) cùng Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton (giữa) và Đại biện lâm thời của Mỹ tại Úc Michael Goldman tại lễ ký kết thỏa thuận công nghệ trong khuôn khổ AUKUS ngày 22-11 ở thủ đô Canberra của Úc. Ảnh: Canberra Times
Cao ủy Anh Victoria Treadell (trái) cùng Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton (giữa) và Đại biện lâm thời của Mỹ tại Úc Michael Goldman tại lễ ký kết thỏa thuận công nghệ trong khuôn khổ AUKUS ngày 22-11 ở thủ đô Canberra của Úc. Ảnh: Canberra Times

AUKUS được thành lập nhằm giúp các nước thành viên có thêm sự bảo đảm vững chắc về an ninh quốc phòng khi phải đối mặt và giải quyết những căng thẳng chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong những năm gần đây, khu vực này chứng kiến cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng căng thẳng hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Úc kiên định với AUKUS

Theo AFP, trong thông cáo phát ngày 19-11, trước lễ ký kết chính thức vào ngày 22-11 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton với Đại biện lâm thời của Mỹ tại Úc Michael Goldman và Cao ủy Anh Victoria Treadell tại thủ đô Canberra, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: “Thỏa thuận sẽ tạo điều kiện hợp tác, từ đó nâng cao sức mạnh quốc phòng chung của chúng ta”. Ngoài việc Úc sẽ nhận được 8 tàu ngầm hạt nhân có khả năng hoạt động tầm xa, dài ngày, AUKUS còn có những điều khoản về chia sẻ thông tin mạng, công nghệ trí tuệ nhân tạo, lượng tử và nhiều năng lực hoạt động ngầm trong đại dương khác.

Trung Quốc đã phản đối gay gắt AUKUS, cho rằng đó là thỏa thuận “hoàn toàn vô trách nghiệm”, đe dọa sự ổn định của khu vực. Trong khi đó, Pháp cũng phản đối mạnh mẽ AUKUS khi bị Úc hủy hợp đồng trị giá khoảng 65 tỷ USD đóng tàu ngầm chạy bằng diesel-điện.

Thủ tướng Úc Scott Morrison vẫn chưa từng một lần tỏ ý cần phải xin lỗi vì cách ông đã xử lý thỏa thuận AUKUS cũng như hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp. Nhà lãnh đạo  này kiên định quan điểm ông làm tất cả những việc này là vì lợi ích quốc gia, và ông hiểu việc đó sẽ “khiến một số người tức giận”. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cũng cho rằng, Tokyo nên hợp tác với các đối tác an ninh trong nhóm AUKUS về các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và năng lực an ninh mạng.

Ngày 19-11, ông Kurt Campbell, điều phối viên của chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng, bình luận với hãng tin AFP rằng việc mở rộng hợp tác của Mỹ với các nước đối tác trong khu vực này đã khiến Trung Quốc “khó chịu”. Thực tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không ngần ngại bày tỏ thẳng vấn đề này trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Tổng thống Joe Biden hôm 16-11 rằng Bắc Kinh coi cách hành xử đó của Washington như một tư duy thời Chiến tranh lạnh.

Anh mời ASEAN họp với G7

Thực tế, không chỉ Trung Quốc hay Pháp ra mặt phản đối thỏa thuận AUKUS. Một số nước trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Indonesia và Malaysia cũng chỉ trích gay gắt thỏa thuận này. Cũng theo AFP, cuối tuần qua, khi đề cập thỏa thuận AUKUS, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto bày tỏ: “Quan điểm của tôi là đương nhiên khu vực Đông Nam Á không nên có hạt nhân. Tôi lo thỏa thuận này sẽ phát động một cuộc chạy đua vũ trang, sẽ khiến nhiều nước hơn nữa muốn sở hữu tàu ngầm hạt nhân, và chúng ta hiểu rằng công nghệ này đã sẵn có. Tôi nghĩ nhiều nước khác cũng có thể sớm có tàu ngầm hạt nhân”.

Ngày 22-11, Anh cho biết đã mời đại diện của tất cả các nước ASEAN (ngoại trừ Myanmar chỉ mời đại diện không thuộc chính quyền quân sự và dự trực tuyến) tới tham dự cuộc họp của nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại thành phố Liverpool vào ngày 10-12 tới. Nước chủ nhà G7 sẽ giải thích kỹ thêm về thỏa thuận AUKUS, trấn an các nước về nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân như một số ý kiến quan ngại. Dự kiến có 21 ngoại trưởng các nước tham dự. Ngoài ASEAN, các nước như Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nam Phi cũng đã được mời.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss thông báo với truyền thông việc London mời các quốc gia Đông Nam Á dự G7. Báo The Guardian dẫn lời nhà ngoại giao này nói: “Tôi muốn chúng ta xây dựng một mạng lưới tự do toàn cầu giúp thúc đẩy tự do, dân chủ và thương nghiệp, khuyến khích các nước có chung quan tâm hợp tác với nhau từ một lập trường mạnh mẽ”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.