Bước vào năm 2022, châu Âu đang phải đối mặt với 3 thách thức vô cùng nghiêm trọng:
Một là, làn sóng nhiễm biến thể Omicron đang lan tràn khắp châu Âu với hàng triệu ca nhiễm mỗi ngày. Một số nước đã phải tiến hành các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt để ngăn chặn đà lây lan trong khi hệ thống y tế không đủ năng lực chăm sóc người nhiễm bệnh.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, chính phủ liên bang và các bang muốn duy trì những biện pháp hạn chế hiện hành, đồng thời chiến lược xét nghiệm PCR của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ phải thay đổi do tình trạng y tế quá tải. Ông Scholz một lần nữa kêu gọi người dân Đức tiêm vắc-xim ngừa Covid-19, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương và người già.
Tại Ý, chính phủ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm hạn chế Covid-19 lây lan, trong đó có quy định tiêm chủng bắt buộc đối với những người trên 50 tuổi.
Trong khi đó, nước Anh có ngày có gần 61.000 ca nhiễm mới và là một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đại dịch Covid-19 với tổng cộng hơn 154.000 ca tử vong.
Mặt khác, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế của nhiều nước. Theo công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (Anh), tăng trưởng kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) trong tháng 1 giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng qua. Ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại IHS Markit cho biết, Covid-19 tiếp diễn dẫn đến chuỗi cung ứng bị gián đoạn vẫn là mối quan ngại lớn, gây áp lực lên hoạt động sản xuất và khiến giá cả trong ngành sản xuất lẫn dịch vụ tăng cao.
Hai là, khủng hoảng năng lượng. Châu Âu đang bước vào mùa đông lạnh giá nên nhu cầu sử dụng khí đốt tăng cao. Giá khí đốt giao sau tháng 1-2022 đã nhanh chóng vượt mốc 2.000 USD/1.000m3, lên tới 2.200 USD/1.000m3. Đây là lần đầu tiên khí đốt ở châu Âu đạt con số kỷ lục này trong lịch sử. Vào mùa thu năm ngoái, giá khí đốt cũng nhiều lần leo lên mức gần 2.000 USD/1.000m3 nhưng rồi giảm xuống mức trên 1.000 USD.
Vòng xoáy dịch chuyển này rất có hại đối với người dân các nước châu Âu khi họ phải chịu mức giá tiêu dùng cắt cổ trong bối cảnh Covid-19 tác động cả châu lục. Nga là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu. Việc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 chưa đưa vào vận hành thương mại cũng ảnh hưởng đến nguồn cung cho châu lục này.
Ba là, nguy cơ xung đột ở Ukraine. Đây được xem là điểm nóng nhất hiện nay không chỉ của châu Âu mà còn trên bình diện thế giới. Nga đã chính thức đưa ra “lằn ranh đỏ” cho Mỹ và các đồng minh châu Âu về vấn đề Ukraine. Mỹ và các đồng minh cũng có hàng loạt các tuyên bố cứng rắn nhằm vào Nga một khi xảy ra xung đột vũ trang.
Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ lại có những tuyên bố và động thái khác nhau. Washington cho phép các đồng minh cung cấp vũ khí cho Ukraine; thậm chí, Lầu Năm Góc lên kế hoạch chuyển quân cùng vũ khí tới châu Âu. Ngày 25-1, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ, hành động của Mỹ đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng sẵn sàng triển khai tới châu Âu chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”. Ông Peskov tái khẳng định chính các hành động của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang làm phức tạp thêm tình hình căng thẳng tại Ukraine.
Có thể nói, 3 thách thức diễn ra cùng lúc đang đặt châu Âu trước một bài toán vô cùng hóc búa. Nếu dịch bệnh là nguy cơ toàn cầu được cả cộng đồng chung tay hóa giải, trong đó nỗ lực tự thân mang tính quyết định, thì 2 thách thức còn lại chỉ có một đối thủ chính là Nga nhưng châu Âu không tự mình quyết được mà phải có tiếng nói mang tính quyết định từ bên kia Đại Tây Dương.
Như vậy, thách thức chồng lên thách thức đang là gánh nặng thật sự đối với châu Âu hiện nay.
TUYẾT MINH