Ngày 9-3, cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc chính thức diễn ra với sự bám đuổi sít sao giữa các ứng cử viên. Người giành chiến thắng sẽ nhậm chức vào tháng 5 và đối mặt với hàng loạt thách thức từ đối nội đến đối ngoại.
Ứng cử viên Lee Jae-myung của đảng Dân chủ cầm quyền. Ảnh: AP |
Hãng tin AP cho rằng, người giành chiến thắng sẽ kế nhiệm ông Moon Jae-in và đối mặt các thách thức: giá nhà tăng cao, tình trạng già hóa dân số, chống tham nhũng, phục hồi kinh tế sau hai năm ứng phó với Covid-19, mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên…
Nỗ lực tranh cử nước rút
Hãng tin Yonhap dẫn lời Ủy ban Bầu cử quốc gia Hàn Quốc xác nhận có 14 ứng cử viên cạnh tranh ghế tổng thống. Bốn ứng cử viên hàng đầu gồm: ông Lee Jae-myung của đảng Dân chủ cầm quyền, ông Yoon Suk-yeol của đảng Sức mạnh quốc dân (PPP) đối lập chính, ông Ahn Cheol-soo của đảng Nhân dân trung lập và bà Sim Sang-jeung của đảng Công lý tiến bộ. Song, cơ hội chiến thắng được cho là thuộc về hai ứng cử viên Lee Jae-myung và Yoon Suk-yeol.
Trong lúc các cuộc thăm dò dư luận cho những kết quả ủng hộ sít sao, ứng cử viên Ahn Cheol-soo của đảng Nhân dân ở vị trí số 3 bất ngờ tuyên bố rút lui và sáp nhập liên minh tranh cử với ông Yoon Suk-yeol. Việc bắt tay liên minh này làm gia tăng khả năng chiến thắng cho ông Yoon.
Ngày 8-3, ông Lee Jae-myung tập trung giành thêm phiếu tại khu vực thủ đô Seoul với thông điệp kêu gọi người dân đoàn kết để phát triển đất nước. Ứng cử viên 57 tuổi này thuyết phục cử tri về khả năng điều hành quốc gia của mình trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và phòng, chống dịch bệnh.
Trong khi đó, vận động tranh cử tại đảo Jeju, ông Yoon Suk-yeol xây dựng hình ảnh mình là chính trị gia luôn biết lắng nghe nguyện vọng của cử tri. Rời đảo Jeju, ông còn đến các thành phố Pusan, Daegu, Daejeon và Seoul trong chặng cuối để tìm thêm lá phiếu ủng hộ.
Ứng cử viên Yoon Suk-yeol của đảng Sức mạnh quốc dân. Ảnh: AP |
Cán cân chưa nghiêng hẳn về bên nào
Hãng tin Yonhap cho biết, ông Lee Jae-myung từng làm Thị trưởng Seongnam từ năm 2010-2018 và Tỉnh trưởng Gyeonggi (tỉnh đông dân nhất Hàn Quốc) từ năm 2018-2021 nên có nhiều kinh nghiệm chính trị, lại chiếm được cảm tình của lớp cử tri cấp tiến. Khẩu hiệu tranh cử của ông là “Tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân”. Những người ủng hộ xem ông là “người hùng” chống lại chủ nghĩa tinh hoa, xóa bỏ tham nhũng, cũng như giải quyết bất bình đẳng kinh tế ngày càng tăng, thị trường việc làm suy thoái và giá nhà tăng cao.
Về chính sách ngoại giao, ông Lee Jae-myung cam kết tiếp tục cách tiếp cận của Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in đối với CHDCND Triều Tiên. Căng thẳng do các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây làm phức tạp các kế hoạch của ông Lee trong việc thừa hưởng chính sách ngoại giao ôn hòa của Tổng thống Moon. Hiện đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn bế tắc.
So với đối thủ chính Lee Jae-myung, ứng cử viên Yoon Suk-yeol vẫn mới mẻ trên chính trường. Trong chiến dịch tranh cử, nguyên Tổng công tố tối cao 61 tuổi nêu cao khẩu hiệu chống tham nhũng, nhấn mạnh mục tiêu “thay đổi hoàn toàn của chính phủ, hướng tới một kỷ nguyên chuyển đổi và đổi mới vĩ đại ở Hàn Quốc”. Ông nói rằng sẽ cung cấp hơn 1,5 triệu nhà ở để ngăn tình trạng giá nhà tăng cao, cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho các chủ doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng Covid-19.
Ông Yoon Suk-yeol cũng cam kết giành được sự ủng hộ mạnh mẽ về an ninh của Mỹ để vô hiệu hóa các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên và quyết đoán hơn đối với các vấn đề liên quan Trung Quốc. Ứng cử viên PPP cáo buộc chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in có lập trường nghiêng về Triều Tiên và Trung Quốc, làm suy yếu mối quan hệ đồng minh nhiều thập niên với Mỹ.
Đến lúc này, trước giờ bỏ phiếu, theo Reuters, giới quan sát vẫn cho rằng cán cân chưa nghiêng hẳn về bên nào bởi chưa có ứng cử viên đủ sức thuyết phục cử tri rằng họ có thể chèo lái nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới và lớn thứ 3 Đông Á trong nhiệm kỳ 5 năm.
Theo AP, khoảng 44 triệu cử tri từ 18 tuổi trở lên trong tổng số 52 triệu dân tham gia bỏ phiếu bầu Tổng thống Hàn Quốc. Trong đó, khoảng 16 triệu người đi bỏ phiếu sớm trong hai ngày 4 và 5-3. Các điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước mở cửa từ 6 giờ đến 19 giờ 30 ngày 9-3.
|
BÌNH YÊN