Thế giới tuần qua: Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu; Tổng thống Biden lần đầu công du châu Á

.

Nguy cơ khủng hoảng lương thực từ đứt gãy chuỗi cung ứng do xung đột Ukraine cùng với chuyến thăm châu Á lần đầu tiên của ông Joe Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ là hai sự kiện thế giới nổi bật trong tuần.Lo ngại khủng hoảng lương thực do xung đột tại Ukraine

Nga và Ukraine đều là hai nước nước xuất khẩu lúa Mỳ lớn nhất thế giới. Ảnh: DW
Nga và Ukraine đều là hai nước nước xuất khẩu lúa Mỳ lớn nhất thế giới. Ảnh: DW

Phát biểu tại hội nghị về an ninh lương thực do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì diễn ra tại trụ sở của LHQ ở New York (Mỹ) ngày 18-5, Tổng Thư ký (TTK) Antonio Guterres cho biết cuộc xung đột Nga-Ukraine đang làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu, vốn đã trở nên tồi tệ hơn do tình trạng Trái Đất nóng lên và đại dịch Covid-19. Chỉ trong 2 năm, số người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp đôi - từ 135 triệu người hồi trước đại dịch lên 276 triệu người tới thời điểm hiện nay.

Theo ông Guterres , xung đột Nga-Ukraine đang ngày càng "khuếch đại" và làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và bất bình đẳng. Điều này đồng nghĩa hàng chục triệu người sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, kéo theo là tình trạng suy dinh dưỡng và nạn đói.

Cùng ngày, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết cuộc xung đột Nga-Ukraine đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và giá cả tăng cao. Theo bà Georgieva cuộc xung đột đã tạo ra "một cuộc khủng hoảng chồng khủng hoảng" trên phạm vi toàn cầu khi các quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và giá thực phẩm, năng lượng và phân bón tăng phi mã. Những áp lực này xảy ra vào thời điểm tài chính công của các quốc gia đang gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 và gánh nặng nợ nần chồng chất.

Trước khi xảy ra xung đột, Ukraine được ví như "vựa lương thực" của thế giới, xuất khẩu 4,5 triệu tấn nông sản mỗi tháng qua các cảng của nước này - chiếm 12% nguồn lúa mì của thế giới, 15% ngô và 50% dầu hướng dương. Do ảnh hưởng  chiến sự, các cảng biển ở Ukraine đều rơi vào tình cảnh ngưng hoạt động. Trong khi đó, Nga là nhà cung cấp phân bón và khí đốt quan trọng hàng đầu thế giới. Xung đột và các lệnh trừng phạt kinh tế do các nước phương Tây áp đặt nhằm vào Nga đã làm gián đoạn nguồn cung phân bón, lúa mì và các mặt hàng khác của cả hai nước, đẩy giá lương thực và nhiên liệu lên cao.

Giải quyết nút thắt xung liên quan đến xung đột được coi là chìa khóa để duy trì nguồn cung lương thực ổn định trên toàn cầu. Theo TTK LHQ, bất kỳ giải pháp nào về an ninh lương thực đều phải bao gồm yếu tố đưa được sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Ukraine và sản xuất phân bón của Nga và Belarus ra thị trường toàn cầu kể cả khi xung đột xảy ra, vì các nước này đều là những nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực nêu trên.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết hiện có khoảng 22 triệu tấn ngũ cốc đang tồn kho ở Ukraine cần được xuất khẩu và Nga cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông thương này bằng đường bộ hoặc đường biển. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trước đó kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện các bước đi tức thời để chấm dứt việc Nga phong tỏa các cảng của Ukraine.

Về phần mình, Moskva bác bỏ cáo buộc từ chính quyền Kiev và phương Tây nói rằng Nga ‘chặn xuất khẩu ngũ cốc’ của Ukraine. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, đây chỉ là những đồn đoán không có cơ sở. Bà nói rằng hành động đơn phương của phương Tây đã làm trầm trọng thêm ách tắc về logistic cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực. Lệnh trừng phạt chống Nga đã kích hoạt bất ổn, làm giá lương thực trên toàn cầu leo thang; cùng lúc việc phương Tây hăm dọa tiếp tục siết cấm vận chống Nga chỉ làm tăng tâm lý hoảng loạn, bất ổn.

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) trong cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Mỹ Joe Biden (phải) đang trong chuyến thăm Seoul, ngày 21/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) trong cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Mỹ Joe Biden (phải) đang trong chuyến thăm Seoul, ngày 21-5-2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Joe Biden lần đầu tiên công du châu Á

Ngày 20-5, ông Joe Biden đã đến Hàn Quốc, bắt đầu chuyến thăm tới châu Á lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ. Sau Hàn Quốc, ông Biden sẽ thăm chính thức Nhật Bản (22-23-5) và tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ (24-5) tại Cung điện Kantei ở thủ đô Tokyo cùng với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia – người sẽ được xác định sau cuộc bầu cử hôm 21-5 ở nước này. Chuyến thăm nhằm phát đi thông điệp Mỹ coi trọng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngay ở thời điểm gần như mọi sự chú ý của thế giới đều bị hút vào cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tại hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại trụ sở mới của tân Tổng thống Yoon Suk-yeol ở quận Yongsan của thủ đô Seoul ngày 21-5, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc đã thảo luận sâu rộng nhiều vấn đề chiến lược song phương và quốc tế, trong đó có việc tăng cường toàn diện liên minh Hàn – Mỹ, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh, kinh tế và công nghệ cao, tình hình bán đảo Triều Tiên…

Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, lãnh đạo hai nước khẳng định liên minh Hàn Quốc-Mỹ đã phát triển thành mối quan hệ chiến lược sâu sắc và toàn diện, vượt ra ngoài phạm vi bán đảo Triều Tiên, phản ánh vai trò quan trọng của cả hai nước với tư cách là các nước hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như kinh tế và công nghệ. Hai bên tái khẳng định cam kết về việc bảo vệ Hàn Quốc theo Hiệp ước Phòng thủ chung và thế trận phòng thủ kết hợp của Hàn Quốc và Mỹ.

Tổng thống Biden khẳng định cam kết của Mỹ trong việc mở rộng khả năng răn đe bằng cách sử dụng đầy đủ các khả năng phòng thủ hiện có. Hai nhà lãnh đạo cũng ghi nhận cam kết của Mỹ trong việc triển khai các khí tài chiến lược quân sự của Mỹ một cách kịp thời và phối hợp khi cần thiết, đồng thời có các biện pháp mới bổ sung để tăng cường khả năng răn đe. Hàn Quốc và Mỹ cũng sẽ mở rộng hợp tác để đối phó với các nguy cơ an ninh tiềm tàng.

Về tình hình bán đảo Triều tiên, hai bên tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, bày tỏ quan ngại về việc Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa trong năm nay, đồng thời nhất trí tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Mỹ để đạt được mục tiêu này. Hai nhà lãnh đạo đã để ngỏ khả năng đối thoại để giải quyết hòa bình và ngoại giao về các vấn đề với Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại đàm phán.

Ngoài ra, tuyên bố chung cũng đề cập đến việc mở rộng quan hệ đối tác kinh tế và công nghệ chiến lược giữa hai nước, nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định Thương mại tự do Hàn-Mỹ (KORUS FTA) cũng như vai trò của duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng an toàn, bền vững, có khả năng kháng cự tốt. Hai nhà lãnh đạo khẳng định sự cần thiết phải duy trì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở, mang lại hòa bình và thịnh vượng tại khu vực.

Tại Nhật Bản, ông Joe Biden sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Kishida Fumio tại Cung điện Akasaka trong ngày 23-5. Theo chương trình nghị sự, hai bên tập trung trao đổi về liên minh Mỹ-Nhật, an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tình hình Triều Tiên và một số vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Đáng chú ý, tại Tokyo, ông Biden sẽ cùng với Thủ tướng Kishida công bố “Khuôn khổ Kinh tế AĐD-TBD” (IPEF) của Mỹ. Sự kiện này cũng sẽ có sự tham gia trực uyến của quan chức một số nước các nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là sáng kiến vừa được chính quyền Tổng thống Joe Biden hoàn tất, một công cụ can dự kinh tế quan trọng của Mỹ với khu vực sau khi Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.