Thỏa thuận hạt nhân Iran rơi vào ngõ cụt

.

Cách đây vài tháng, các cuộc đàm phán để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), tưởng chừng như đạt kết quả cuối cùng khi các bên liên quan đều tuyên bố có “những bước khai thông đáng khích lệ”. Thế nhưng, JCPOA giờ đây có thể sụp đổ. Nguyên nhân do đâu?

Ngày 30-5, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo quý cho biết, Iran chưa giải đáp được những nghi vấn lâu nay về các hạt uranium được tìm thấy tại 3 cơ sở Marivan, Varamin và Turquzabad không nằm trong danh sách đã được nước này báo cáo. IAEA ước tính tổng lượng dự trữ uranium đã làm giàu của Iran tính đến ngày 15-5-2022 là 3.809,3kg, tức nhiều hơn 18 lần mức giới hạn được nhất trí trong JCPOA.

Trên cơ sở đó, Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã đề xuất một nghị quyết chỉ trích Iran, trình lên Hội đồng thống đốc IAEA. Bất chấp sự phản đối của Nga và Trung Quốc, Hội đồng thống đốc IAEA với 35 thành viên đã thông qua nghị quyết chính thức chỉ trích Iran thiếu hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc.

Sau động thái của IAEA, Mỹ, Anh, Pháp và Đức ra Tuyên bố chung hối thúc Iran lưu ý tới lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế nhằm thực thi các nghĩa vụ pháp lý của họ, hợp tác với IAEA để làm sáng tỏ và giải quyết triệt để nhiều vấn đề một cách không chậm trễ.

Chỉ vài giờ trước khi IAEA thông qua nghị quyết nói trên, Iran đã tháo dỡ 27 camera giám sát của IAEA tại các cơ sở hạt nhân của nước này. Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho rằng, quyết định của Iran là một thách thức nghiêm trọng đối với nỗ lực của IAEA, đồng thời cảnh báo cơ quan này trong 3-4 tuần tới sẽ không còn khả năng duy trì công tác nắm bắt thông tin về chương trình hạt nhân của Tehran. Theo ông Grossi, “đây sẽ là một đòn giáng mạnh” vào tiến trình đàm phán khôi phục JCPOA.

Ngày 12-6, trả lời phỏng vấn CNN, ông Grossi cho biết, ông vừa trao đổi với người đồng nghiệp phía Iran rằng: “Chúng ta cần ngồi lại ngay lúc này, phải khắc phục tình huống này và cần tiếp tục hợp tác với nhau… Cách duy nhất để Iran có thể lấy được niềm tin, sự thật dù tồi tệ đến đâu nhưng họ cần thúc đẩy nền kinh tế quốc dân… là cho phép các thanh sát viên của IAEA tới Iran”.

Ông Grossi cũng khẳng định nếu không có các camera giám sát thì IAEA sẽ không thể kết luận rằng liệu chương trình hạt nhân của Iran là “hòa bình” như Tehran nhiều lần tuyên bố, hay là họ đang phát triển một quả bom hạt nhân hay không. Theo ông, nếu Iran ngắt kết nối các camera trong vài tháng thì những việc mà nước Cộng hòa Hồi giáo làm trong thời gian đó sẽ là bí mật và có thể không có ích đối với bất kỳ thỏa thuận nào. Vì vậy, những hành động mới đây của Tehran khiến “con đường trở lại thỏa thuận trở nên cực kỳ khó khăn hơn”.

JCPOA quy định Iran phải hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Tehran. Đáp lại, Iran bắt đầu giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận từ năm 2019.
Khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ, từ tháng 4-2021, các bên liên quan bắt đầu đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận thông qua việc Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và Tehran trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán đình trệ trong những tháng gần đây.

Vấn đề mấu chốt hiện nay chính là chưa có “sự tin tưởng” của Mỹ và các đồng minh phương Tây về việc Iran từ bỏ quá trình phát triển vũ khí hạt nhân, cũng như phía Tehran chưa thấy Washington tháo dỡ các biện pháp cấm vận nhằm vào nước này - một đòi hỏi được coi là tất yếu để khôi phục JCPOA. Đây là cái vòng luẩn quẩn khiến việc cứu vãn JCPOA tiếp tục rơi vào ngõ cụt.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.