Tổng thống Mỹ đến Saudi Arabia: Chuyến công du hàn gắn quan hệ

.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Saudi Arabia vào tháng 7 với sứ mệnh vừa cải thiện quan hệ với Riyadh, vừa thúc giục tăng nguồn cung dầu mỏ trên thị trường toàn cầu.

Giá xăng dầu được niêm yết ngày 9-6 ở Salt Lake City thuộc bang Utah của Mỹ. Ảnh: AP
Giá xăng dầu được niêm yết ngày 9-6 ở Salt Lake City thuộc bang Utah của Mỹ. Ảnh: AP

Thông tin về chuyến công du của Tổng thống Joe Biden được Nhà Trắng xác nhận hôm 14-6. Như vậy, việc nhà lãnh đạo Mỹ thăm Saudi Arabia không còn là lời đồn đoán nữa. Ông sẽ đến Trung Đông từ ngày 13-7 đến 16-7, với chặng dừng chân đầu tiên ở Israel và Bờ Tây, sau đó tới Saudi Arabia. Tổng thống Biden muốn cải thiện quan hệ với ông lớn dầu mỏ ở Trung Đông trong lúc nền kinh tế hàng đầu thế giới đối mặt khủng hoảng năng lượng, dù chính ông từng gọi Riyadh là “pariah”, nghĩa là “đất nước bất trị”.

Theo tin Politico, mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia bắt đầu xấu đi đáng kể vào năm 2015. Hàng loạt vấn đề đã gây bất đồng và ngờ vực giữa hai bên như: thỏa thuận hạt nhân Iran dưới thời Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama làm phật ý Riyadh; liên minh quân sự giữa các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp vào Yemen năm 2015; vụ sát hại nhà báo người Saudi Arabia - ông Jamal Khashoggi năm 2018; sản lượng dầu và giá dầu; cam kết của Washington ở Trung Đông…

Mọi thứ thay đổi kể từ khi ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ. Lúc tranh cử, ông tuyên bố sẽ trừng phạt Saudi Arabia, khiến nước này “phải trả giá”. Song, sau khi nhậm chức, ông Biden cho công bố báo cáo tình báo về vụ sát hại nhà báo Khashoggi, đồng thời áp lệnh trừng phạt đối với một số người liên quan, nhưng không có động thái nào chống lại chính Thái tử của quốc gia giàu dầu mỏ này - ông Mohammed bin Salman.

Tháng 2-2022, chính phủ của Tổng thống Biden đã chuyển giao một lượng lớn các hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot cho Saudi Arabia sau thời gian dài trì hoãn nhằm bảo đảm cho Riyadh có đủ vũ khí để đối phó với các đợt tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa từ lực lượng nổi dậy Houthi tại quốc gia láng giềng Yemen.

Báo New York Times dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nhấn mạnh: Tổng thống Biden mong muốn thực hiện chuyến thăm quan trọng đến Saudi Arabia, đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ trong gần 8 thập niên. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng phát biểu với tạp chí Foreign Affairs: “Saudi Arabia là đối tác quan trọng của Mỹ trong việc đối phó với chủ nghĩa cực đoan trong khu vực và những thách thức từ Iran”.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao để tăng nguồn cung và tạo sự ổn định cho thị trường năng lượng thế giới. Tháng 3-2022, một số quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ đã đến Saudi Arabia, thúc giục Riyadh tăng sản lượng khai thác để hạ nhiệt giá dầu. Song, Thái tử Mohammed không đáp ứng đề nghị này của Mỹ.

Giờ đây, Tổng thống Biden đối mặt với những chỉ trích trong nước về giá nhiên liệu và lạm phát tăng cao. Việc hàn gắn quan hệ và thuyết phục nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới tăng sản lượng có thể làm tăng ấn tượng rằng ông đang cố gắng giải quyết sự thất vọng của người Mỹ. Tổ chức Các nước sản xuất dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), dẫn đầu là Saudi Arabia, hồi đầu tháng 6 tuyên bố sẽ tăng sản lượng khai thác lên 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8. Dù Riyadh đã thay đổi quan điểm nhưng các nhà phân tích cho rằng, lượng dầu bổ sung mà OPEC+ cam kết cũng khó làm giá dầu giảm. Hơn nữa, động thái tăng sản lượng như thế có thể không tác động lớn đến giá xăng dầu tại Mỹ.

Chưa rõ Saudi Arabia sẽ làm gì hơn nữa để giúp Mỹ ứng phó với khủng hoảng năng lượng. Học giả Hussein Ibish tại Viện Các quốc gia Arab vùng Vịnh có trụ sở tại Washington, D.C, phát biểu với báo Insider rằng, mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia được xây dựng trên nền tảng khá vững chắc về lợi ích chung. Saudi Arabia cần Mỹ để bảo đảm an ninh cơ bản của mình, trong khi Washington cần một đối tác trong khu vực Vùng Vịnh để giúp bảo đảm năng lượng và nền kinh tế toàn cầu.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.